Hạ lãi suất: Bất động sản vẫn 'nằm bất động'

Cú hạ lãi suất huy động 1% hôm 11/4 và mở van tín dụng cho vay tiêu dùng và đầu tư nhà ở đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) có chút xao động. Có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có sự 'ưu ái' để 'cứu' doanh nghiệp (DN) BĐS, khiến nhiều DN ngành khác phải ghen tỵ. Nhưng các DN BĐS lại một mực kêu rằng: 'Oan quá!'.

Cú hạ lãi suất huy động 1% hôm 11/4 và mở van tín dụng cho vay tiêu dùng và đầu tư nhà ở đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) có chút xao động. Có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có sự “ưu ái” để “cứu” doanh nghiệp (DN) BĐS, khiến nhiều DN ngành khác phải ghen tỵ. Nhưng các DN BĐS lại một mực kêu rằng: “Oan quá!”.

Ngày 11/4, NHNN đã giữ đúng lời hứa khi hạ lãi suất thêm 1%, về mức 12%/năm. Đồng thời, tín dụng cho lĩnh vực BĐS cũng được nới rộng đối với cho vay mua nhà để ở, xây dựng nhà cho thuê, thậm chí là để đầu cơ… Ngay sau đó, một loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất với nhiều gói tín dụng hấp dẫn, lãi suất cho vay ở mức 17 - 18%/năm.

Chỉ “béo”… ngân hàng?!

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, thì “Đây là một tín hiệu mừng, nhưng chưa vui”. Vì hạ lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay chưa hạ, nên khoảng chênh lệch lãi suất vẫn còn quá lớn, khoảng 8 - 9%, thậm chí là 10%.Ông Đực cũng bày tỏ sự hoài nghi về mục đích “hạ lãi suất lần này là để hỗ trợ DN”.

“Các ngân hàng đã bắt chẹt DN suốt nhiều năm. Nhiều DN đang cần tiền để duy trì hoạt động lúc này, nhưng ngân hàng không ra tay cứu giúp. Mà ngược lại, một số ngân hàng có chiến lược siết chặt tín dụng để thâu tóm các dự án, thâu tóm DN và thâu tóm các ngân hàng khác (cho vay, siết nợ, mua cả DN và dự án…)”, ông Đực bức xúc nói.

Đồng quan điểm trên, giám đốc một công ty địa ốc tại Tp.HCM phản ứng gay gắt hơn: “Hạ lãi suất là ép người dân để huy động vốn giá rẻ. Nhưng ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất cao để có sự phòng thủ… Mà cứ vắt kiệt sức dân thì sẽ dẫn tới đổ vỡ thôi”.

Cho nên, theo vị giám đốc này, hạ lãi suất huy động nhằm mục đích “cứu” các ngân hàng, chứ DN BĐS chưa được hưởng lợi. Trên thực tế, trong lúc kinh tế khó khăn, DN sản xuất kinh doanh lâm vào cảnh thua lỗ, phá sản thì nhiều ngân hàng luôn thu được lợi nhuận rất cao (chủ yếu từ hoạt động tín dụng và cho vay trên thị trường liên ngân hàng).

Siết hoạt động tín dụng

“Liệu pháp” giảm lãi suất, mở rộng đối tượng vay của NHNN xem ra vẫn chưa đủ mạnh và chưa làm thỏa mãn cơn “khát” vốn của DN BĐS.

“Các ngân hàng quá nhẫn tâm khi có lợi nhuận quá cao. Còn toàn bộ lợi nhuận của chúng tôi làm ra đều nộp cho ngân hàng hết. Như thế là vô lý”, ông Đực nói và cho rằng NHNN cần hạ ngay lãi suất, kiểm soát chặt lãi suất cho vay, đồng thời mở rộng cho vay với các dự án nhỏ, quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2012: “Nếu không hạ lãi suất và mở rộng đối tượng cho vay thì các DN BĐS sẽ “chết” và mất hết tài sản”.

Mong muốn giảm lãi suất về mức hợp lý là cấp thiết và thường trực của các DN trong nhiều cuộc hội thảo về vốn cho thị trường BĐS gần đây. Có DN kỳ vọng lãi suất huy động sẽ giảm về mức “lý tưởng” là 5 - 7%/năm và lãi suất cho vay từ 7 - 10%/năm. Xét trong bối cảnh lạm phát cao và hệ thống ngân hàng đang phải cơ cấu lại, như vậy xem ra là “hoang tưởng”, nhưng điều đó thể hiện mong ước của các DN nói chung và DN BĐS nói riêng về mức lãi suất “có thể chấp nhận được” và đảm bảo cho cả DN và ngân hàng đều có lợi nhuận.

Mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HOREA) đã có công văn gửi NHNN kiến nghị phải “giảm lãi suất cho vay đối với DN về mức 14 - 16%/năm và có lộ trình cụ thể đưa lãi suất cho vay trở về mức 11 - 12%/năm như trước đây để nền kinh tế và thị trường BĐS phát triển bình thường, ổn định”. HOREA không đồng tình với cách điều hành lãi suất “rất vô lý” của ngân hàng: khi lãi suất tăng thì ngân hàng lập tức tăng lãi suất cho vay đối với DN, nhưng khi lãi suất huy động giảm thì ngân hàng lại cho rằng phải có thời gian, phải có độ “trễ” mới giảm lãi suất cho vay.

Cùng với việc giảm lãi suất, nhiều DN kiến nghị phải giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay nhằm minh bạch hơn hệ thống ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần siết chặt hoạt động của các ngân hàng nhỏ, và ngân hàng lớn không thể giữ độc quyền.
“Có thể khẳng định “quả bom” là của ngân hàng chứ không phải của DN BĐS. Vì khi siết tín dụng, không chỉ DN BĐS, mà các DN sản xuất, kinh doanh khác cũng bị đình đốn vì đói vốn. Trong khi đó, chỉ một số ít ngân hàng được Nhà nước chỉ đạo chặt chẽ là thực hiện cấp vốn nhưng chỉ giải quyết được 30% vốn cho thị trường. Rõ ràng, bức tranh thị trường đang bị chi phối bởi một nhóm lợi ích”, một giám đốc DN BĐS cho biết.

“Không quản lý tốt hoạt động ngân hàng thì dẫn tới lạm phát còn nguy hiểm hơn. Thà chúng ta ủng hộ lạm phát lành mạnh, có tăng trưởng còn hơn là hạn chế tăng trưởng để DN đổ vỡ hàng loạt”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA khẳng định.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kỳ vọng chính sách mở van tín dụng này “sẽ giảm được lượng tồn kho nhà ở trong kinh doanh BĐS, từ đó tạo trung chuyển dòng vốn hợp lý trong nền kinh tế”. Nhưng theo giới đầu tư, hạ lãi suất và mở rộng đối tượng vay mới chỉ là điều kiện cần, còn 3 yếu tố “đủ” để thị trường hồi phục là: điều kiện cho vay, hạn mức và thời hạn vay, thì vẫn chưa được “nới”.

Cho đến lúc hội tụ đủ các điều kiện trên, thì các DN vẫn phải chờ đợi. Và sẽ còn nhiều “đại gia” tiếp tục “chết dần trên đống tài sản”!

Thu Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ha-lai-suat-bat-dong-san-van-nam-bat-dong-1038577.html