Hà Lan đạt bước đột phá sau 6 tháng đàm phán thành lập liên minh
Tình hình chính trị tại Hà Lan đã rơi vào bế tắc kể từ khi đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) trung hữu của ông Rutte giành hầu hết số ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng Ba.
Ngày 30/9, các nhà lãnh đạo chính trị tại Hà Lan đã đạt được bước đột phá sau sáu tháng đàm phán thành lập liên minh, với việc ông Mark Rutte, một trong những lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại châu Âu, chuẩn bị tiến tới việc tái điều hành chính phủ trước đó của ông.
Tình hình chính trị tại Hà Lan đã rơi vào bế tắc kể từ khi đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) trung hữu của ông Rutte giành hầu hết số ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng Ba, theo sau là đảng Dân chủ 66 (D66) cấp tiến của cựu Ngoại trưởng Sigrid Kaag.
Tuy nhiên, bà Kaag, ngày 30/9 cho biết bà đã từ bỏ sự phản đối của mình đối với liên minh gồm bốn đảng từng nắm quyền từ năm 2017 để tránh cuộc bầu cử mới.
Phát biểu trước báo giới, bà Kaag nêu rõ: "Không ai muốn các cuộc bầu cử mới. Chúng làm tê liệt chính trị thêm ít nhất sáu tháng nữa. Chúng tôi sẽ đàm phán."
Các cuộc đàm phán chính thức hiện sẽ bắt đầu giữa VVD, D66, đảng Những người Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu của Bộ trưởng Tài chính Wopke Hoekstra và đảng Liên hiệp Cơ đốc giáo.
Trên thực tế, việc thành lập một chính phủ mới có thể mất vài tuần hoặc thậm chí nhiều tháng trong khi các bên đưa ra các chính sách. Chính phủ mới sẽ phải giải quyết các vấn đề chính bao gồm ứng phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Như vậy, ông Rutte dự kiến sẽ lãnh đạo liên minh lần thứ tư này trong nền kinh tế lớn thứ năm trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2011.
Hồi tháng 1 năm nay, Nội các khi đó tại Hà Lan đã phải từ chức do quản lý yếu kém các chương trình trợ cấp cho trẻ em trong nhiều năm qua gây thiệt hại kinh tế cho hàng nghìn hộ gia đình. Tuy nhiên, Nội các vẫn hoạt động đến nay trong vai trò tạm quyền./.