Hà Lan điều tra 'đồn cảnh sát' bí mật của Trung Quốc
Trung Quốc bị cáo buộc thiết lập và điều hành 'cơ quan giám sát bí mật' ở Hà Lan. Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết sự tồn tại những đồn công an không chính thức như vậy tại nước này là bất hợp pháp, nhưng Bắc Kinh đã phản bác cáo buộc.
Trang tin Euronews.com ngày 26/10 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết họ đang điều tra các báo cáo rằng Trung Quốc đã thiết lập hai "đồn cảnh sát bất hợp pháp ở Hà Lan để theo dõi những người bất đồng chính kiến".
"Các bộ trưởng tư pháp và ngoại giao của Hà Lan đã ghi nhận những thông tin này và đang xem xét vấn đề một cách rất nghiêm túc. Bộ Ngoại giao Hà Lan hiện đang điều tra hoạt động của cái gọi là 'đồn cảnh sát' trên. Khi điều này được làm rõ, các biện pháp thích hợp sẽ được thực hiện", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan Maxime Hovenkamp nói với hãng tin AFP.
Theo báo chí Hà Lan, hai "đồn cảnh sát" của Trung Quốc đã hoạt động ở Amsterdam và Rotterdam từ năm 2018. Các "cơ quan giám sát" trên tuyên bố có nhiệm vụ hỗ trợ ngoại giao cho công dân Trung Quốc nhưng chưa được đăng ký với chính phủ Hà Lan.
Trong khi đó, những tổ chức phi chính phủ Hà Lan cho rằng các cơ sở này thực sự được Bắc Kinh sử dụng để giám sát "các đối thủ chính trị và những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài, với các cựu sĩ quan quân đội và tình báo làm nhân viên".
Đáp lại, Chính phủ Trung Quốc cho biết những cáo buộc trên là "hoàn toàn sai sự thật". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng những "cơ quan" này có nhiệm vụ giúp công dân Trung Quốc gia hạn giấy phép lái xe hoặc khai báo những thay đổi về hộ tịch của họ.
"Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều công dân Trung Quốc ở nước ngoài không thể trở về Trung Quốc kịp thời để xin gia hạn bằng lái xe và các dịch vụ khác", người phát ngôn trên nêu rõ.
Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh rằng "các cơ quan an ninh của Trung Quốc kiên quyết trấn áp các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia theo quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền tư pháp của các nước khác".