Hà Lan - Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với nước biển dâng, quản lý tài nguyên nước
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng Chiến lược tổng thể quốc gia ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đoàn công tác liên ngành, gồm: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, do Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có các buổi trao đổi, khảo sát, tiếp thu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nguồn nước, ứng phó với nước biển dâng, chống xâm nhập mặn tại Hà Lan.
Đoàn đã làm việc với các Cơ quan chức năng của Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước. Cùng dự các buổi làm việc có Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam.
Làm việc tại Trung tâm quản lý nước Hà Lan - cơ quan đầu não chịu trách nhiệm tham mưu với Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước, đồng thời trực tiếp quản lý, chỉ huy, điều phối hệ thống điều tiết nước quốc gia, đoàn đã được các đối tác Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nguồn nước sông.
Hà Lan có 2 con sông lớn từ Đức (sông Rhine) và từ Bỉ (sông Muese) chảy qua lãnh thổ Hà Lan đổ ra biển. Để quản lý và chia sẻ nguồn nước ngọt quan trọng này, Hà Lan đã đàm phán với Đức và Bỉ để ký kết các thỏa thuận về sử dụng nguồn nước, theo đó, các quốc gia phải tôn trọng dòng chảy tự nhiên của các sông, không can thiệp thô bạo thay đổi dòng chảy, ngăn chặn hay hạn chế nguồn nước đổ về phía hạ lưu. Đặc biệt, về tổng thể, các quốc gia thượng nguồn được sử dụng khoảng trên 1/3 lượng nước sông, còn Hà Lan được sử dụng cơ bản tới khoảng 2/3 lượng nước các con sông này. Do đó, các quốc gia đều có thể điều tiết hài hòa nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu vào mùa khô hạn.
Bà Sakia van Gool, chuyên gia cao cấp về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước đã chia sẻ với đoàn nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước sông, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xây dựng những kịch bản ứng phó cụ thể, ứng dụng công nghệ AI hoàn toàn tự động. Theo thỏa thuận đã được ký giữa Hà Lan với Bỉ, hai nước phải có trách nhiệm tôn trọng dòng chảy tự nhiên của các sông, không can thiệp thay đổi dòng chảy, ngăn chặn nguồn nước đổ về phía hạ lưu, hạn chế xây đập chặn dòng chảy tự nhiên... Bên cạnh đó, các nước thượng nguồn và hạ nguồn luôn chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin cho nhau về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mỗi quốc gia và việc phân phối, sử dụng lượng nước các con sông này trong những tình huống cấp thiết.
Trước đó, trong buổi thảo luận tại đoàn, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết, hoạt động của đoàn đợt này có ý nghĩa quan trọng hướng tới kỷ niệm 15 năm Việt Nam - Hà Lan hình thành đối tác chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010 - 2025). Đại sứ nhấn mạnh, Hà Lan có nhiều kinh nghiệm về quản lý nước, do đó, hợp tác với Hà Lan sẽ giúp chúng ta vững tin hơn trước các thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quản lý hiệu quả nguồn nước ngọt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế cách đây hàng nghìn năm, Hà Lan đã có nhiều vùng đất thấp hơn mực nước biển, đặc biệt là khu vực giáp biển, nhưng với sự sáng tạo, cần cù của mình, Hà Lan không những giữ được các vùng đất này mà đã xây dựng nhiều công trình lấn biển bảo vệ vững chắc lãnh thổ, đất đai, phát triển mạnh các ngành logictic, vận tải biển, du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, trong tương lai, nước biển có xu hướng ngày càng dâng cao, theo tính toán của Cơ quan quản lý nước Hà Lan đến năm 2100, nước này có tới trên 50% diện tích thấp hơn mực nước biển, do đó việc chống xâm nhập mặn và quản lý nguồn nước sông tiếp tục là vấn đề sống còn của đất nước Hà Lan.
Đặc biệt, Hà Lan đã xác định không thể nâng cao đê sông, kè biển mãi, mà cần có những giải pháp tổng thể hơn, trong đó cần có sự hợp tác toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, Hà Lan sẵn sàng hợp tác quốc tế, giúp các nước ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và coi đó cũng là giải pháp giúp chính mình.
Song, trước mắt, Hà Lan đã chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau, trước hết khi mực nước biển dâng cao hơn so với các dòng sông có thể chạy tự nhiên ra biển, Hà Lan sẽ có thể áp dụng giải pháp cấp thiết đóng cửa sông, sử dụng các máy bơm siêu lớn để bơm nước sông ra biển nếu lượng nước ngọt này dư thừa. Bên cạnh đó, các con đê sông sẽ tiếp tục được gia cố nâng cao để đối phó với mực nước biển dâng. Đặt các trạm bơm công suất siêu lớn hay đào sâu lòng các dòng sông để thuyền bè đi lại thuận lợi cũng đã, đang là cách thức được sử dụng và sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện tại 21 Hội đồng nước của Hà Lan.
Chia sẻ với đoàn, ông Herman Havekes, Phụ trách Cơ quan Quản lý nước của Hà Lan (Unie van Waterschappen) cho biết, việc quản lý nước thải đô thị, nước sinh hoạt hay xử lý ngập úng, lũ lụt tại các thành phố lớn, khu đô thị đều do 21 Hội đồng nước trực tiếp thực hiện. Các Hội đồng nước này không chia theo 12 đơn vị hành chính cấp tỉnh mà phân công trách nhiệm theo phạm vi quản lý, đồng thời hoạt động độc lập về tài chính, trực tiếp thu tiền quản lý nước. Hiện nay, mỗi năm Hà Lan chi tới 8,2 tỷ Euro cho công tác quản lý nước, song doanh thu từ việc nộp thuế sử dụng nước của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức cũng giúp nước này thu về hơn 4 tỷ Euro mỗi năm.
Đoàn công tác liên ngành cũng đã tham quan, khảo sát thực tế tại kè chắn sóng Maeslankering, kè này được khởi công xây dựng từ năm 1991, hoàn thành năm 1997, trị giá hơn 450 triệu Euro. Ông Peter, đại diện nhóm vận hành kè Maeslankering chia sẻ, kè này vận hành hoàn toàn tự động bởi siêu máy tính và được kết nối với các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, sóng biển để chống lại các cơn bão khiến nước biển dâng và sóng biển đánh vào khu vực sau kè, đặc biệt đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để bảo vệ Cảng Rotterdam, cảng biển lớn nhất châu Âu với hơn 60% lượng hàng hóa nhập khẩu vào khu vực này phải trung chuyển qua đây. Mặc dù, chi phí bảo dưỡng vận hành kè chắn sóng Maeslankering lên đến hơn 10 triệu Euro mỗi năm, song hiệu quả đem lại sau 27 năm kè được đưa vào sử dụng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn gần như hoàn toàn sự đe dọa từ sóng, bão đối với khu vực rộng lớn, phục vụ đắc lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thần kỳ của đất nước Hà Lan tươi đẹp.
Trước đó, đoàn đã làm việc với Bộ Tư pháp và An ninh, Trung tâm quản lý An ninh mạng của Hà Lan… Hai bên đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng đối với những vấn đề đoàn quan tâm phục vụ xây dựng chiến lược an ninh phi truyền thống của Việt Nam.
Sau 6 ngày làm việc tích cực (từ 23 - 28/9) với lịch trình dày và di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau, đoàn công tác liên ngành đã trao đổi, học tập, tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý giá từ các đối tác Hà Lan trên các lĩnh vực, như: Bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với nước biển dâng, chống xâm nhập mặn, phòng chống ngập lụt tại các thành phố, khu đô thị... Đây là những thông tin quan trọng và sẽ được chắt lọc, tiếp thu phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong quá trình tham mưu với Chính phủ xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống.