Hà Lệt xây dựng đời sống văn hóa

Thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa là nơi sinh sống của 137 hộ, 663 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Vân Kiều. Thời gian trước đây, nhiều tập tục lạc hậu đã tồn tại, ăn sâu trong tiềm thức của người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kiên quyết xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới là mục tiêu mà cấp ủy đảng, Ban điều hành và người dân thôn Hà Lệt quyết tâm thực hiện để dựng xây quê hương no ấm, văn minh.

 Già làng Hồ Đối hướng dẫn cách đánh một nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều - Ảnh: N.T.P

Già làng Hồ Đối hướng dẫn cách đánh một nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều - Ảnh: N.T.P

Con đường bê tông khá đẹp chạy men theo sườn núi đưa chúng tôi đến với thôn Hà Lệt. Những ngôi nhà sàn cao ráo, sạch đẹp, các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh được đầu tư khang trang đã khẳng định, cuộc sống của bà con nơi đây đã đổi thay nhiều so với những năm về trước. Để có kết quả này, người dân thôn Hà Lệt đã kiên quyết xóa bỏ những tập tục lạc hậu từng đè nặng lên bao kiếp người.

Già làng Hồ Đối, 73 tuổi, kể với chúng tôi: “Những năm trước, Hà Lệt có rất nhiều tập tục, hủ tục lạc hậu và những người khổ nhất vì những điều này chính là phụ nữ. Họ làm việc từ khi con gà rừng chưa cất tiếng gáy cho đến khi tiếng con chim từ quy trên đỉnh núi cất tiếng gọi bạn tình vào lúc nửa đêm mới được nghỉ ngơi. Họ bị ép gả chồng từ lúc mới 13, 15 tuổi. Khi chuyển dạ, phải ra lán làm tận ngoài rừng để sinh con một mình, có trường hợp, đợi mãi không thấy vợ đem con về, người chồng ra lán tìm thì cả mẹ và con đều đã chết. Khi có người đau ốm, gia đình chẳng chịu đưa đến bệnh viện điều trị mà mời thầy mo đến cúng, có nhiều nhà phải cúng hết cả tài sản nên phải tìm đến các nhà trong bản để xin ăn…”.

Nhận thấy những tập tục lạc hậu không còn phù hợp với nếp sống mới, kéo lùi sự phát triển của Hà Lệt, cấp ủy đảng, Ban điều hành cùng Mặt trận, các tổ chức đoàn thể thôn đã có những việc làm căn cơ, kiên trì trong tuyên truyền, vận động người dân thấy rõ lợi ích của việc xây dựng đời sống văn hóa để từ đó chung tay bài trừ những tập tục lạc hậu. Đối với những việc vượt quá khả năng, thôn kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã Tân Thành, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như quan tâm hỗ trợ về mọi mặt để đạt được hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trần Ngọc Bình cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng đời sống văn hóa, Hà Lệt gặp không ít khó khăn bởi những tập tục, thói quen sinh hoạt lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của bà con. Những ngày đầu, cán bộ, người có uy tín đến tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu thì nhiều người dân còn nghi ngại, không đồng tình ủng hộ. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, với sự đồng lòng, chung tay của cán bộ thôn, xã, cán bộ biên phòng và phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong thực hiện, khuyên nhủ con cháu làm theo của già làng, người có uy tín nên người dân Hà Lệt dần thay đổi nhận thức”.

Một trong những thay đổi rõ nét nhất trong sinh hoạt của người dân Hà Lệt là họ không còn mời thầy mo về cúng bái mỗi khi ốm đau và quen với việc đến cơ sở y tế để điều trị. Phụ nữ có thai đã biết đi khám sàng lọc, khi sinh đều đến trạm y tế để được cán bộ y tế giúp đỡ. Việc cưới hỏi, ma chay đã thực hiện theo nếp sống mới, không còn tình trạng để thi hài người quá cố lâu ngày trong nhà gây ô nhiễm và tốn kém. Trong việc cưới, trước đây miễn nhà trai nộp đủ lễ “bỏ của” là nhà gái đồng ý cho rước dâu về, không cần thủ tục khác cũng như không đăng ký kết hôn. Chính vì thế mà nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xuyên xảy ra. Từ khi được tuyên truyền, nắm rõ quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, việc cưới đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng đã chấm dứt hoàn toàn…

Thay đổi lối nghĩ, cách làm trong sinh hoạt, sản xuất đã tạo bước chuyển biến cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Lệt. Nếu như trước đây tỉ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm tới trên 85% thì đến nay tỉ lệ này đã giảm xuống còn 24,08%; trên 98% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo, phù hợp với nếp sống mới hiện nay như lễ đám chay, mừng lúa mới, sử dụng cồng chiêng...vẫn được bà con lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

Ông Hồ Năng, Trưởng thôn Hà Lệt cho biết: “Từ khi nhiều hủ tục lạc hậu bị bài trừ và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện, thôn Hà Lệt đã có rất nhiều đổi thay, tiến bộ, rõ nhất là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn mới từng bước khởi sắc. Có được kết quả này, cấp ủy, Ban điều hành, Mặt trận và các đoàn thể thôn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao gắn với lồng ghép thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những công việc cụ thể trong xây dựng đời sống văn hóa. Cùng với đó là sự thuận chung tay thực hiện của người dân địa phương”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153848