Hạ Long (Quảng Ninh): Sẽ trở thành thành phố hoa và lễ hội
Với định hướng phát triển du lịch, dịch vụ trở thành nền kinh tế mũi nhọn, kết nối các di tích lịch sử văn hóa, gắn phát triển du lịch với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thành phố Hạ Long đã xây dựng 2 đề án phát triển thành thành phố của hoa và lễ hội.
Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thành phố Hạ Long báo cáo tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ (tháng 6/2024) do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức vào sáng ngày 18/6, tại thành phố Hạ Long.
Theo đó, đề án mang tên “Hạ Long - Thành phố của Hoa”, mục tiêu nhằm tạo cảnh quan đô thị tươi đẹp, đẳng cấp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long - Thành phố của Hoa” gắn với “Hạ Long - Thành phố của Lễ hội”.
Trong giai đoạn năm 2024 – 2025 sẽ xây dựng, cải tạo được ít nhất 3 tuyến đường hoa thuộc khu vực trung tâm du lịch của thành phố; thực hiện cải tạo nâng cấp Công viên hoa Hạ Long; đầu tư xây dựng mới 3 điểm ngắm cảnh. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là trên 43 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026 – 2030, sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai đầu tư các dự án, hạng mục các công trình còn lại của Đề án. Đảm bảo tất cả các cơ quan, đơn vị đảm bảo mỹ quan công sở, các trường học đều thực hiện trồng hoa, cây xanh trong khuôn viên; các cơ sở tổ chức kinh doanh về du lịch, thương mại tăng cường việc chỉnh trang cảnh quan, bố trí các loại cây, hoa theo mùa; Mỗi phường có ít nhất 1 vườn hoa hoặc đường hoa, phố hoa, cầu hoa, tháp hoa; mỗi đơn vị thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đảm nhận thực hiện 1 vườn hoa hoặc tuyến đường hoa và vận động mỗi hộ dân trồng ít nhất một cây có hoa. Dự kiến mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng trên 270 tỷ đồng.
Trước mắt, Trong năm 2024 - 2025 sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp trồng bổ sung cây, hoa tại Công viên Hoa Hạ Long; lựa chọn các đoạn, tuyến đường phù hợp để nghiên cứu cải tạo, thay thế cây tạo thành phố hoa theo từng mùa; cải tạo, trồng hoa bổ sung tại 3 đảo giao thong; xây dựng một số điểm hoa đặc sắc để tạo điểm nhấn “check-in”.
Đề án “Hạ Long - Thành phố của Lễ hội” nhằm mục tiêu Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là Thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.
Nội dung Đề án gồm 1 lễ hội cấp tỉnh, 15 lễ hội, sự kiện cấp thành phố và nhiều lễ hội do các xã, phường tổ chức. Trong đó, lễ hội cấp tỉnh là Carnaval Hạ Long được tổ chức thường niên.
Năm 2025 sẽ phục dựng và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ; Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu thành phố Hạ Long; Lễ hội chùa Lôi Âm; Lễ hội Đền Cái Lân; Lễ hội chùa Long Tiên.
Nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống; xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể đối với lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội Đền Vua Lê Thái Tổ; tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới như Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống; Lễ hội hoa anh đào và tuần văn hóa Nhật Bản; Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn; Lễ hội trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh Di sản; Ngày di sản vịnh Hạ Long; Lễ hội hoa Xuân Hạ Long; Lễ hội hoa tại thiên đường hoa Quảng La; Lễ hội mùa Ổi chín,…