Hà Nam cần phát triển du lịch dựa trên văn hóa và thiên nhiên

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam 2023 cho rằng địa phương nên chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống.

Hôm nay (19/5), UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2023 chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối”. Đây là hoạt động quan trọng của Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam, đồng thời là sự kiện du lịch mở màn của cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/5/2023.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt tin tưởng rằng Hà Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các chính sách ưu đãi của tỉnh hướng tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tranh thủ các cơ hội thu hút các nguồn lực để phát triển ngành du lịch. "Cần phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của Hà Nam. Thúc đẩy xúc tiến, mở rộng thị trường khách nội địa và quốc tế; tăng cường kết nối các địa phương trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng và các địa phương khác trong cả nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từng bước đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và chất lượng trên bản đồ du lịch Việt Nam", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nam nên chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nam nên chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống.

Để Hà Nam có những sản phẩm du lịch đặc trưng và thu hút du khách, ông Nguyễn Văn Trường - đại diện doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cho rằng sức hấp dẫn của du lịch Hà Nam nằm ở cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa và cách phát triển du lịch bền vững với môi trường và cộng đồng. "Không giống như nhiều nơi trên thế giới phải xây dựng, tạo ra các cảnh quan, Hà Nam và Tam Chúc chỉ cần bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan, tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng là sẽ gặt hái thành công".

Cùng quan điểm này, một đại diện doanh nghiệp du lịch cho rằng Hà Nam đang nổi bật với các sản phẩm du lịch tâm linh, kết hợp cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy Hà Nam nên tiếp tục bổ sung thêm các sản phẩm gắn với nội dung này, ví dụ phát triển các khu homestay làng cổ Việt, khôi phục các hoạt động làng nghề như làm đèn ông sao, trống Đọi Tam, nghề hoa lụa... "Tuy nhiên sau khi có sản phẩm, để du khách trong nước và quốc tế biết tới những điểm đến Hà Nam thì rất cần truyền thông, quảng bá, tiếp thị trên các nền tảng số như mạng xã hội, trang thương mại điện tử... Các điểm đến cần có sự đầu tư, đảm bảo đáp ứng về sức tải và trải nghiệm khi du khách kéo tới ngày càng đông hơn".

Đền Lảnh Giang là di tích nổi tiếng tại Hà Nam.

Đền Lảnh Giang là di tích nổi tiếng tại Hà Nam.

Tương tự, PGS. TS Phạm Hồng Long (Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cũng đề xuất tỉnh Hà Nam khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương: "Một số ngôi làng quê của tỉnh Hà Nam có thể phát triển các sản phẩm du lịch làng quê, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn như làng hoa Phù Vân (TP. Phủ Lý), làng Vọc (huyện Bình Lục), làng lụa Nha Xá (TX. Duy Tiên), làng Chều (huyện Lý Nhân),…. Các không gian làng quê này cần phải được quy hoạch không gian và thẩm mỹ đồng bộ vì cảnh quan đẹp, thanh bình, mang bản sắc làng quê sẽ hấp dẫn hơn là một di sản nhiều năm tuổi nhưng để trong môi trường lộn xộn thiếu thẩm mỹ".

TS. Trần Huy Đức phát biểu tại hội nghị.

TS. Trần Huy Đức phát biểu tại hội nghị.

Theo phân tích của TS. Trần Huy Đức (Khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), những tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa tại Hà Nam được sở hữu bởi chính các cộng đồng dân cư đang sinh sống trên địa bàn, vì vậy du lịch Hà Nam chỉ được phát triển khi một mặt biết khai thác các tài nguyên du lịch này, mặt khác chính người dân thấy tự hào, có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, chất lượng môi trường du lịch nơi đây. Cộng đồng dân cư phải được tham gia tích cực với các bên liên quan để đưa giá trị tài nguyên du lịch vào khai thác phát triển du lịch ngày một hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống từ vật chất tới tinh thần của chính người dân nơi đây.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam khẳng định trong thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, tăng cường các hoạt động du lịch văn hóa lễ hội nhằm khai thác giá trị văn hóa truyền thống của địa phương./.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/ha-nam-can-phat-trien-du-lich-dua-tren-van-hoa-va-thien-nhien-post1021207.vov