Hà Nam: Chủ xưởng chế biến gỗ có dấu hiệu phủi trách nhiệm với người lao động?

Vụ nổ bồn chứa mùn gỗ tại xưởng chế biến gỗ ở tỉnh Hà Nam khiến nạn nhân bị bỏng nặng nhưng chủ cơ sở đã có dấu hiệu 'phủi' trách nhiệm khiến gia đình bức xúc.

Gia đình bức xúc vì chủ xưởng chế biến gỗ "phủi" trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Dương Thị Thủy (trú tại phường Châu Sơn, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), phản ánh về việc xưởng chế biến gỗ của ông Đoàn Thanh Tùng tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có dấu hiệu "phủi" trách nhiệm khi xảy ra tai nạn đối với người lao động.

Theo bà Thủy, khoảng tháng 9/2021, con trai bà là anh Hoàng Đình Công (sinh năm 1996) đến làm thuê cho cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng theo lời giới thiệu của ông Đỗ Tiến Thuật.

Lúc đầu, anh Công làm công việc nghiền gỗ. Do biết chút ít về lĩnh vực cơ khí nên anh Công được giao việc sửa chữa máy móc. Theo phản ánh của gia đình, trong nhiều tháng làm việc tại xưởng, chủ cơ sở chế biến gỗ đã không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm, không phát quần áo bảo hộ lao động cho anh Công.

Đến ngày 4/8/2022, anh Công tiến hành sửa chữa bồn chứa gỗ ghiền bị hỏng. Sửa xong thì anh Công về nhà ăn cơm và nghỉ trưa. Đến đầu giờ chiều, anh Công ra kiểm tra thì thấy bồn chứa gỗ nghiền có khói bốc ra và sau đó bất ngờ phát nổ. Hơi nóng và mùn gỗ đang cháy phụt ra bao trùm toàn thân khiến anh Công bị bỏng nặng. Lúc xảy ra sự việc, trong xưởng có khoảng 5-6 công nhân đang làm việc.

Gia đình đã đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu, sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện Bỏng quốc gia điều trị. Theo chẩn đoán của Bệnh viện Bỏng quốc gia, anh Công bị bỏng hơi nóng 41% độ II, độ III ở vùng mặt, cổ, bụng, lưng, hai tay, hai chân…

Tình trạng viết bỏng của nạn nhân Hoàng Đình Công

Tình trạng viết bỏng của nạn nhân Hoàng Đình Công

Bà Thủy cho biết, sau khi xảy ra sự việc, chủ cơ sở chế biến gỗ không đưa nạn nhân đi cấp cứu mà lại đưa về cho gia đình. Đại diện xưởng gỗ đưa con trai bà về nhà và bảo gia đình tự cứu chữa, hết bao nhiêu tiền sẽ trả. Sau vài ngày điều trị tại bệnh viện, phía xưởng chỉ đưa được 10 triệu đồng.

Do vết bỏng quá nặng, trong khi anh Công không được đóng bảo hiểm nên số tiền điều trị và chăm sóc rất tốn kém. Do đó, gia đình phải vay mượn khắp nơi để cứu chữa cho con. Tuy nhiên, chi phí ngày càng đội lên, vượt quá so với khả năng chi trả nên gia đình phải xin cho anh Công ra viện để về nhà tự điều trị.

Theo gia đình, tổng số tiền chăm nom và điều trị cho anh Công hết gần 100 triệu đồng nhưng phía xưởng chế biến gỗ mới đưa được 10 triệu đồng khiến bà Thủy rất bức xúc. Sau đó, gia đình nạn nhân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Nam về việc sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của cơ sở chế biến gỗ này.

Sau khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của bà Thủy, Công an huyện Thanh Liêm đã vào cuộc kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm theo quy định. Ngày 23/11/2022, Thượng tá Lê Hải Nam, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Liêm đã ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 50/QĐ-ĐTTH.

Theo quyết định này, sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm cho thấy, khoảng 9h30 ngày 4/8/2022, tại xưởng chế biến gỗ của ông Tùng, anh Công đã sử dụng máy hàn điện để hàn một số lỗ hở của máy trộn gỗ. Đến khoảng 10h cùng ngày, sau khi hàn xong, anh Công xúc các xỉ hàn có lẫn với bột gỗ ra ngoài, rồi đi về nhà ăn cơm.

Đến khoảng 12h10 cùng ngày, anh Công cởi trần, mặc quần soóc đi xuống và ngồi cửa đáy buồng trộn gỗ của máy trộn gỗ kiểm tra thì bị khí nóng do cháy nổ trong bồn trộn gỗ phụt ra ngoài trúng người, làm anh Công bị bỏng với tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 31%. Do không có sự việc phạm tội nên Công an huyện Thanh Liêm đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động này.

Trong giấy hẹn khám lại của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, tỷ lệ anh Công bị bỏng hơi nóng 41% độ II, độ III ở vùng mặt, cổ, bụng, lưng, hai tay, hai chân

Trong giấy hẹn khám lại của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, tỷ lệ anh Công bị bỏng hơi nóng 41% độ II, độ III ở vùng mặt, cổ, bụng, lưng, hai tay, hai chân

Liên quan đến hoạt động sản xuất của ông Tùng, Công an huyện Thanh Liêm cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 4,4 triệu đồng với 2 lỗi: Không lập hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động phòng cháy chữa cháy và không niêm yết biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy.

Chủ xưởng chế biến gỗ nói gì?

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đoàn Thanh Tùng, chủ cơ sở sản xuất gỗ cho rằng, lỗi cũng là do nạn nhân. Thời điểm xảy ra sự việc, dù không phải ca làm việc nhưng Công vẫn xuống xưởng nên bị lửa thổi vào người. Ông Tùng cho rằng, vết bỏng của nạn nhân cũng nhẹ chứ không nghiêm trọng như gia đình phản ánh. Sau khi xảy ra sự việc, phía gia đình cũng đã viết đơn ra cơ quan công an.

Ông Tùng cho biết sẽ hỗ trợ 50-70% chi phí nằm viện. Tuy nhiên, với chi phí thuốc thang thì phải có hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân tính cả tiền đi lại, chăm sóc... thì phía xưởng không chấp nhận. Khi nằm viện, xưởng cũng đã đưa trước 10 triệu để thuốc thang, nhưng gia đình đòi 200 triệu mà không có hóa đơn thực tế là không thuyết phục, xưởng không hỗ trợ.

Liên quan đến trả lời của ông Tùng, nạn nhân Công cho rằng, phía xưởng thuê anh làm việc bằng "hợp đồng miệng" với giá 10 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc ở xưởng là cả ngày, khi xưởng có vấn đề gì thì anh đến xử lý. Anh Công cho rằng, chủ xưởng nói anh bị bỏng khi không phải trong ca trực của anh là không đúng.

Xưởng chế biến gỗ của ông Đoàn Thanh Tùng

Xưởng chế biến gỗ của ông Đoàn Thanh Tùng

Phía gia đình vẫn khẳng định, tổng mức chi phí cho việc chữa trị cho Công là gần 100 triệu đồng. Trong thời gian nằm viện, chi phí chữa trị quá cao, gia đình không thể xoay sở được. Do đó, gia đình phải đưa nạn nhân về khi mới nằm viện được hơn 10 ngày.

Hiện nay, vết thương trên cơ thể của anh Công vẫn chưa khỏi vì còn nhiều mùn gỗ nằm sâu trong cơ thể nên lúc nào cũng cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình cũng không còn khả năng đưa anh Công đi tái khám và điều trị theo lịch hẹn của Bệnh viện Bỏng quốc gia.

Theo tìm hiểu, hoàn cảnh gia đình của nạn nhân rất khó khăn. Sau khi bố mẹ ly hôn, hai mẹ con anh chuyển ra sinh sống tại một kiốt lụp xụp chỉ rộng chừng 10m2, nằm trong khu chợ Mỏ, thuộc phường Châu Sơn, TP. Phủ Lý.

Trước đó, mẹ con anh làm và bán vàng mã để kiếm đồng rau cháo sống qua ngày. Sau khi lập gia đình, thương mẹ và vợ vất vả, anh Công quyết tâm tìm việc làm để gánh vác gia đình. Tuy nhiên, sau khi xảy ra tai nạn, vợ chồng anh Công cũng chia tay.

Trước những biến cố trên, gia đình nạn nhân càng bức xúc hơn. Gia đình nạn nhân "tố" chủ xưởng chế biến gỗ đã "phủi" trách nhiệm đối anh Công nên đã quyết định khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm. Hiện, tòa án đang xem xét hồ sơ khởi kiện của anh Công để tiến hành thụ lý theo quy định của pháp luật.

Thế Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-nam-chu-xuong-che-bien-go-co-dau-hieu-phui-trach-nhiem-voi-nguoi-lao-dong-258042.html