Hà Nam: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Sáng 18/10, tại Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2024.
Hội nghị là dịp để tỉnh Hà Nam thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Đồng thời mở rộng liên kết, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Thủy - UVTW, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam cho biết, Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2024 là dịp để tỉnh Hà Nam tiếp tục định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tỉnh Hà Nam đã và đang quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh theo hướng an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phân bố trong một không gian giàu tiềm năng du lịch, cận kề với những điểm du lịch trọng yếu của đồng bằng sông Hồng như Chùa Hương (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Đền Trần (Nam Định), Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) và nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt cùng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, đa dạng về địa hình, địa mạo từ cảnh quan núi đá, hang động cho tới cảnh quan sông nước vùng đồng bằng, nông thôn Bắc Bộ và nguồn tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều giá trị khá nổi bật thể hiện qua hệ thống các di tích lịch sử nổi tiếng, các lễ hội dân gian, các làng nghề thủ công truyền thống và nền ẩm thực đặc sắc, phong phú… Hà Nam có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch thể thao golf, du lịch văn hóa, trong đó, phát triển du lịch văn hóa là thế mạnh nổi trội, đặc biệt tại khu du lịch quốc gia Tam Chúc.
Hiện nay Hà Nam có hơn 200 cơ sở lưu trú với tổng số gần 4.000 phòng phục vụ khách du lịch, trong đó có 2 khách sạn 5 sao (khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Melia Vinpearl Phủ Lý) và sắp hoàn thành 01 khách sạn 5 sao nữa của tập đoàn BRG; 01 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là Khu du lịch Tam Chúc và 12 điểm du lịch đã được công nhận.
Hà Nam đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái như: Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai, Chùa Cây Thị, Chùa Phật Quang, Chùa Bà Đanh, Chùa Long Đọi Sơn, Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang…; Lễ hội Tịch Điền, Lễ phát lương Đền Trần Thương, Lễ hội Xuân Tam Chúc…; Sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống như: cá kho Đại Hoàng, Trống Đọi Tam, lụa Nha Xá...
Bên cạnh đó, đưa hoạt động Không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch tại thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên, Flamingo Golden Hill, Sun Urban City… đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm, hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề.
Trong thời gian tới Hà Nam định hướng phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Theo quy hoạch, Hà Nam sẽ có 04 sân golf, hiện nay Stone Valley Golf Resort - sân golf Kim Bảng (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) và Khu phức hợp thể thao và du lịch Legend Valley Country Club (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) chính thức hoạt động phục vụ khách đã đưa sản phẩm du lịch thể thao Golf trở thành sản phẩm du lịch mới tại Hà Nam.
Năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2024 Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, qua đó đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
“Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á. Hà Nam đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng”, bà Lê Thị Thủy khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, cho rằng, Hà Nam có những tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, cũng như hệ thống các khu du lịch sinh thái và tâm linh độc đáo, là một trong những địa phương có cơ hội lớn để phát triển ngành du lịch. Đặc biệt, Hà Nam có Khu du lịch Tam Chúc, một trong những điểm đến quan trọng của cả nước, không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa, tâm linh mà còn là biểu tượng của du lịch bền vững, kết hợp giữ thiên nhiên và con người.
Hà Nam còn có vị trí chiến lược, nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch và gần các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Ninh Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng. Hà Nam đang nổi lên là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng phát triển lâu dài. Tuy nhiên, để Hà Nam phát triển bền vững và xứng đáng với tiềm năng vốn có, cần tăng cường quảng bá, tập trung đầu tư vào hạ tầng du lịch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch thông minh.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nam đến các thị trường trong và ngoài nước”, Ông Nguyễn Lê Phúc khẳng định.
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Phát triển Du lịch năm 2024, Công ty Flamingo Redtours và UBND tỉnh Hà Nam đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Flamingo Redtours sẽ sử dụng lợi thế, sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nam; Nghiên cứu hình thành các sản phẩm, tuyến điểm du lịch mới hấp dẫn dựa trên thế mạnh của địa phương; Tăng cường hợp tác trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhận lực. Về phía UBND tỉnh Hà Nam sẽ tạo mọi điều kiện, áp dụng chính sách hỗ trợ tốt nhất cho Tập đoàn Flamingo nói chung và Flamingo Redtours nói riêng trong công tác xúc tiến đầu tư, tổ chức sự kiện, quảng bá sản phẩm.