Hà Nam hội tụ đủ điều kiện để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 30/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Hà Nam có đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Vị trí địa kinh tế độc đáo, đặc biệt quan trọng
Hà Nam có vị trí địa kinh tế độc đáo, đặc biệt quan trọng, với các tuyến giao thông đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy huyết mạch trên trục Bắc-Nam, kết nối liên vùng và là một trong những đô thị vệ tinh, "cửa ngõ" kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Hà Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch đặc biệt phong phú với gần 1.800 di tích, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của cha ông ta.
Tiêu biểu như: chùa Đọi Sơn; đền Trần Thương thời Trần; đền Lăng thờ vua Đinh và các vua thời Tiền Lê; chùa Bà Đanh; danh thắng Tam Chúc… Cùng với đó là nhiều danh lam, thắng cảnh non nước hữu tình và các di sản văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống của nền văn minh lúa nước được gìn giữ từ nghìn đời, phục dựng và phát triển bền vững như Lễ hội Tịch Điền - Đọi Sơn, Lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần ở đền Trần Thương… tạo nên sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Hà Nam là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, "Địa linh - Nhân kiệt" với truyền thống hiếu học, khoa bảng; tự hào là nơi khởi nguồn của phong trào "Dạy tốt, Học tốt" với tiếng trống Bắc Lý.
Có thể nói, Hà Nam có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Phát huy những tiềm năng lợi thế đó, với tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã đoàn kết, sáng tạo, đột phá vươn lên, đạt nhiều thành tựu toàn diện, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, dần khẳng định vị thế của một tỉnh phát triển năng động, hiện đại thể hiện qua các con số ấn tượng:
Quy mô nền kinh tế đạt 50,2 nghìn tỷ, gấp hơn 3 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 9,41%, đứng thứ 5 trong Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người đạt 96,3 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,49%. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 42,1%, tỉ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt 93,2%.
Hệ thống cơ cở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hà Nam là một trong 5 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện đã có 43 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.
Giáo dục, đào tạo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước; là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Nhiều năm liền nằm trong top những địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả thi trung học phổ thông quốc gia…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh năm 2023 cả nước hết sức khó khăn, có thể nói, những thành tựu, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam là đặc biệt quan trọng, đóng góp to lớn vào nỗ lực và kết quả phát triển chung của cả nước.
Giải "bài toán" tổ chức không gian lãnh thổ
Theo Phó Thủ tướng, là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ 861,9 km², chỉ đứng sau Bắc Ninh; thách thức lớn với Hà Nam trong tiến trình phát triển là phải tổ chức không gian lãnh thổ hợp lý, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; giải quyết bài toán phát triển hài hòa giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường, giảm thiểu xung đột giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.
Bản quy hoạch tỉnh Hà Nam được công bố hôm nay được xây dựng với quan điểm phát huy tối đa vị trí địa lý chiến lược của tỉnh liền kề với TP. Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lấy nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo làm động lực đột phá; đặt trong mối liên kết với vùng thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch với khát vọng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để Hà Nam chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế. Trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường và là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, thể thao.
Hình thành trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.
Bản quy hoạch hướng đến mục tiêu cuối cùng là người dân Hà Nam trong tương lai sẽ được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao. Hệ thống an sinh xã hội bền vững. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hà Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng.
Chắt chiu, lựa chọn những nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao
Tuy nhiên, để quy hoạch được tổ chức triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng cho rằng, nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp, và vai trò trung tâm của nhân dân, doanh nghiệp.
Trao đổi một số vấn đề trọng tâm cần chú trọng trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, với quỹ đất hết sức hạn chế, trong khi đã sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp và bảo vệ cảnh quan, môi trường gần 50%, do đó, diện tích đất Hà Nam có thể chuyển đổi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị và hệ thống kết cấu hạ tầng không còn nhiều. Tỉnh cũng đang phải đối mặt với vấn đề rất lớn đó là môi trường, nhất là ở các lưu vực sông, làng nghề.
Vì vậy, Hà Nam phải thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế từ khai thác tài nguyên theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Tỉnh cũng cần tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động của các khu công nghiệp hiện nay, dành không gian cho đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, thông minh, chuyển đổi số.
"Hà Nam phải chắt chiu, lựa chọn những nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao, phát triển theo hướng kinh tế xanh", Phó Thủ tướng nói và đánh giá cao quyết tâm của Hà Nam trong phát triển khu công nghệ cao.
Tuy nhiên, là địa phương đi sau, Hà Nam cần có các cơ chế khác biệt rút ra từ các mô hình khu công nghệ cao đã được triển khai, cùng với các chủ trương thu hút đầu tư của địa phương để lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, hiệu quả cao nhất, cam kết chuyển giao công nghệ.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Tỉnh cần quy hoạch vùng nuôi trồng và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, góp phần cùng với dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế dựa khai thác tài nguyên.
Phát triển đô thị với những giá trị khác biệt
Nhấn mạnh đô thị hóa là một động lực phát triển kinh tế quan trọng, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Nam nghiên cứu kỹ Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, "hết sức quyết tâm, sáng tạo trong cách làm" để lựa chọn được những nhà đầu tư, đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết phát triển đô thị, nông thôn, phân khu chức năng… Từ đó xác định lộ trình phát triển đô thị dựa trên kết nối vùng, tận dụng hạ tầng giao thông hiện có, dọc theo các hành lang kinh tế, "giao thông đi đến đâu thì kinh tế phát triển đến đấy".
"Phát triển đô thị kèm theo các hệ sinh thái công nghiệp, thương mại, dịch vụ… sẽ là động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Các đồng chí phải lựa chọn, tổ chức cuộc thi để lựa chọn những quy hoạch chi tiết tốt nhất, chất lượng nhất, sáng tạo nhất. Nguồn lực phát triển của Hà Nam đến từ việc thực hiện các quy hoạch này", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Hà Nam thúc đẩy phát triển chuỗi đô thị vệ tinh để tận dụng lợi thế của vùng thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối, rút ra những bài học thất bại của các thành phố lớn để chuẩn bị đồng bộ hạ tầng giao thông, xã hội, nói không với ùn tắc giao thông, giải quyết bằng được tình trạng ô nhiễm không khí, nước, rác thải. Trong đó, Hà Nam cần phối hợp với các địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm các lưu vực sông; khai thác tiềm năng của mạng lưới sông nội tỉnh để phát triển đô thị hai bên.
Hà Nam cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao năng suất lao động; thu hút các trường đại học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu, đầu tư các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ y tế, sức khỏe, giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
"Với vai trò là cửa ngõ của Thủ đô, Hà Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, sớm chuyển đổi mô hình kinh tế khai thác tài nguyên sang kinh tế xanh, du lịch, nông nghiệp sinh thái", Phó Thủ tướng mong muốn.
Ngay sau lễ công bố quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, tỉnh Hà Nam thực hiện nghi thức khởi công Dự án Công viên chủ đề kết hợp nhà ở và dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang, TP. Phủ Lý, báo hiệu một sự khởi đầu tốt đẹp, đổi mới tư duy quy hoạch và phát triển của tỉnh Hà Nam.
Phó Thủ tướng tin tưởng với truyền thống lịch sử văn hóa, lòng tự hào quê hương, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên, Hà Nam sẽ sớm trở thành đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại, đáng đến, đáng sống, có những giá trị riêng biệt.