Hà Nam: Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số chiếm 25-30% GRDP

Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 15-20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hằng năm đạt trên 10,7%. Đến năm 2030, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 25-30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế số, trong đó trọng tâm là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh; xây dựng hạ tầng số và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; thu hút các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông vào đầu tư trên địa bàn...

Một lớp tập huấn về chuyển đổi số, kinh tế số do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Nam tổ chức. Ảnh: Nguyễn Oanh

Một lớp tập huấn về chuyển đổi số, kinh tế số do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Nam tổ chức. Ảnh: Nguyễn Oanh

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (tập trung tại thành phố Phủ Lý và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh). Hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong đó có hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm: hỗ trợ kinh phí tư vấn và hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ước tính khoảng 2.697 doanh nghiệp. Khoảng 2.800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số. Tỉnh cũng đã triển khai 2 sàn thương mại điện tử chính (buudien.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, sàn thương mại điện tử Hà Nam của Sở Công Thương).

Theo Hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam có số giao dịch trên sàn: 15.362 giao dịch; số tài khoản hoạt động trên sàn: 92.811 tài khoản; số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn: 69.747 hộ; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số: 89.650 hộ; số sản phẩm được đưa lên sàn: 3.313 sản phẩm.

Song song với đó, Cục Thuế tỉnh Hà Nam đã triển khai Chương trình “Hóa đơn may mắn” để khuyến khích người dân hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ; duy trì hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phân tích, phân loại rủi ro trong hoàn thuế; 100% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử với ngân hàng; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

P.V

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/ha-nam-aphan-dauaden-nam-2030aty-tro-ng-kinh-te-so-chiem-25-30-grdp-136221.html