Hà Nam tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và người dân vùng ngập lụt

Trước diễn biến phức tạp của đợt lũ lớn trên các sông, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó; trong đó, tập trung ứng phó với lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và bảo đảm an toàn cho người dân vùng ngập lụt.

Mực nước trên các sông ở tỉnh Hà Nam vẫn ở mức cao.

Mực nước trên các sông ở tỉnh Hà Nam vẫn ở mức cao.

Tính đến ngày 12/9, toàn tỉnh Hà Nam đã triển khai di dời 1.344/6.587 tổng số hộ cần di dời. Tại các điểm sơ tán đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân; đồng thời, di dời gần 97 nghìn con gia súc, gia cầm; 583,68ha thủy sản bị tràn bờ.

Đến ngày 12/9, huyện Thanh Liêm đã thực hiện di dời 617 hộ dân bằng 1.600 nhân khẩu ở vùng ngập lụt đến các nhà văn hóa thôn, xóm, trường tiểu học, các hộ dân thân cận bảo đảm an toàn, đồng thời, các lực lượng công an, quân sự đã hộ trợ các gia đình di chuyển và kê kích cao. Số hộ còn lại hiện chưa bị ảnh hưởng; đã chủ động, có phương án và cam kết di dời khi mực nước tiếp tục dâng cao.

Các lực lượng công an, quân đội giúp nhân dân di chuyển tài sản.

Các lực lượng công an, quân đội giúp nhân dân di chuyển tài sản.

Là địa phương có số hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ này, thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, địa bàn có hơn 1.200 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu, bị úng ngập toàn bộ do nước dâng cao đột ngột.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, các lực lượng chức năng đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ các gia đình di dời người và tài sản đến nơi an toàn; có phương án chuẩn bị sẵn sàng chỗ ở cho người dân trong tình huống cấp thiết.

Các lực lượng công an, quân đội giúp nhân dân di chuyển gia súc đến nơi an toàn.

Các lực lượng công an, quân đội giúp nhân dân di chuyển gia súc đến nơi an toàn.

Những ngày qua, khi mưa lũ từ thượng nguồn liên tục đổ về khiến mực nước tại các con sông của tỉnh Hà Nam đạt mức trên báo động 3, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương có tuyến đê đi qua túc trực 24/24 giờ và tổ chức tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là khi nước sông lên cao nhằm kịp thời phát hiện sự cố nứt, sạt trượt mái đê để xử lý ngay trong giờ đầu.

Là một trong những tuyến đê trọng yếu trong công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh, khu vực đê sông Hồng, thuộc xã Chuyên Ngoại, xã Mộc Bắc thị, xã Duy Tiên, có nhiệm vụ quan trọng bảo vệ hành lang đê điều khi nước Sông Hồng dâng cao và địa bàn dân cư các xã ven sông của thị xã Duy Tiên.

Từ sau cơn bão số 3, lũ trên các sông đổ về đã gây ngập úng hàng nghìn hộ dân, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong xã. Lực lượng Công an các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng trong tỉnh đã huy động nhân lực xử lý sự cố trên đê, dùng các cọc tre, đóng bao cát để gia cố thân đê bảo đảm cũng như hỗ trợ các gia đình di chuyển người, tài sản, vật nuôi, gia súc đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Duy Tiên đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ người dân tại xã Mộc Bắc di dời tài sản, gia súc đến nơi an toàn, giúp nhân dân yên tâm.

Các lực lượng tham gia vận chuyển vật liệu để gia cố các tuyến đê xảy ra sự cố.

Các lực lượng tham gia vận chuyển vật liệu để gia cố các tuyến đê xảy ra sự cố.

Tuyến đê hữu Hồng (còn gọi là đê Đại Hà) qua địa bàn huyện Lý Nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác phòng, chống thiên tai, bão, lũ, bảo vệ dân sinh, kinh tế trên địa bàn huyện. Tuyến đê có chiều dài 27km, chạy dọc địa bàn 8 xã từ Nguyên Lý đến Hòa Hậu. Đây là tuyến đê quốc gia cần được bảo vệ an toàn khi xảy ra thiên tai, bão, lũ.

Ngày 11/9, Đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Tiến Thắng xảy ra sạt mái đê thượng lưu đoạn từ K154,236 đến K154,280. UBND xã Tiến Thắng đã xử lý giờ đầu, đồng thời bố trí lực lượng tuần tra canh gác kiểm tra theo dõi thường xuyên.

Khi phát hiện Đê bối Hồng Lý, vị trí K2,650 cống tưới trạm bơm Hồng Lý có hiện tượng nước thấm từ thượng lưu về hạ lưu (bể hút trạm bơm), UBND xã Chân Lý triển khai lực lượng, máy móc, vật tư đắp gia cố bờ bao quanh cống phía hạ lưu đã hoàn thành, lực lượng xung kích tiếp tục thường trực theo dõi.

Kiểm tra thực tế tại một số công trình đê điều và khu dân cư bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm và và khu vực đê sông Hồng xã Chuyên Ngoại, xã Mộc Bắc thị xã Duy Tiên, xã Tiến Thắng huyện Lý Nhân, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm không quản ngày đêm, dầm mình trong mưa bão của các lực lượng làm nhiệm vụ; đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương không chủ quan, lơ là, tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ, nước sông dâng cao.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam thăm hỏi, động viên các hộ trong vùng ngập lụt.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam thăm hỏi, động viên các hộ trong vùng ngập lụt.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, lực lượng Công an-Quân sự duy trì thường trực, ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp; phối hợp tăng cường gia cố thêm những vị trí đê kè xung yếu, nhất là chỗ bị sạt lở, sửa chữa, nâng cao năng lực ứng phó với mưa bão diễn biến phức tạp; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ, di dời người dân và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn với phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” giúp nhân dân. Đẩy mạnh thông tin về tình hình mưa lũ đến người dân; vận động nhân dân chủ động các phương án phòng, chống ngập úng; nghiêm túc thực hiện di dời người và tài sản đến nơi an toàn theo chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, ngày 12/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã có Công điện số 02/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên các sông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Văn bản của UBND tỉnh về theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó, khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố không chủ quan, lơ là; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí thường trực UBND trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê, trong đó tập trung: Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu theo “phương châm 4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Tổ chức thực hiện ngay phát quang mái, chân đê và trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều để phục vụ công tác tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố đê điều; Khơi thông thoát nước mặt đê, không để đọng thành vũng trên mặt đê gây nguy cơ mất an toàn đê điều.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Công an tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.

ĐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-nam-tap-trung-ung-pho-lu-lon-bao-dam-an-toan-he-thong-de-dieu-va-nguoi-dan-vung-ngap-lut-post830537.html