Hà Nam: Thiếu máy chạy thận, người bệnh và thầy thuốc chật vật xoay sở
Thời gian qua, nhân viên y tế, bệnh nhân suy thận và chạy lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam phải vất vả 'tăng ca', chờ có máy để chạy thận. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có chỉ đạo để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người bệnh.
Ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, tại Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam có tình trạng thiếu, hư hỏng máy chạy thận dẫn đến khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân suy thận và lọc máu chu kỳ.
Ngay sau khi tiếp nhận báo cáo từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết: "Chúng tôi đã có chỉ đạo bệnh viện thực hiện các thủ tục mua sắm thiết bị y tế mới. Đồng thời, đã báo cáo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nam đang kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các đơn vị, thêm một máy cũng là quý.
Hy vọng trong thời gian tới, có thể tháo gỡ phần nào những khó khăn, hỗ trợ cho người bệnh điều trị tại tỉnh, không phải di chuyển đi xa, vất vả. Hiện tại với những bệnh nhân lọc máu ở bệnh viện đa khoa tỉnh, chúng tôi yêu cầu bệnh viện nỗ lực điều trị an toàn, trường hợp bất khả kháng phải có liên hệ để tạo điều kiện tốt cho người bệnh."
Tháo gỡ khó khăn trước mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam tiến hành tăng số lượt chạy thận lên 5 ca trong ngày, hiện nhân viên y tế bệnh viện đã và đang cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Giải đáp về vấn đề trên bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, cho biết: "Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam có 33 máy lọc máu chu kỳ và một hệ thống lọc nước RO do Công ty cổ phần máy lọc thận Việt Nam lắp đặt, cung cấp từ năm 2012 theo hợp đồng liên doanh liên kết và bàn giao cho bệnh viện sau khi hết hạn hợp đồng từ tháng 5/2022.
Theo số liệu thống kê, Hà Nam hiện có khoảng 330 bệnh nhân bị suy thận và chạy lọc máu chu kỳ, có nhu cầu điều trị lọc máu. Với 33 máy lọc máu, bệnh viện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 225 bệnh nhân lọc máu và lọc 3 ca một ngày. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh viện cần phải có khoảng 50 máy chạy thận.
Tuy nhiên, thời điểm này, tình trạng thiếu máy diễn ra trầm trọng là do có 13 máy hư hỏng, không thể sửa. 20 máy còn lại đang chạy hết công suất phục vụ bệnh nhân".
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam là một trong ba cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện tự chủ kinh tế và là cơ sở duy nhất của tỉnh điều trị chạy thận nhân tạo. Sau dịch COVID -19, bệnh viện đối mặt nhiều áp lực trong vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cũng là bài toàn nan giải.
Bày tỏ về khó khăn trong thời gian qua, bác sĩ Bùi Văn Nhung, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, chia sẻ: " Đối với chúng tôi, bệnh nhân cũng như người nhà, cùng thông cảm và chia sẻ trong giai đoạn khó khăn. Các bác sĩ, bệnh nhân đều hy vọng sớm được tăng cường thêm máy lọc máu để có thể tiến hành điều trị lọc máu vào các ca ban ngày. Việc phải chạy ca 5, ca 6, bệnh nhân đi lại khám chữa bệnh buổi đêm rất khó khăn, ảnh hưởng tới thời gian nghỉ ngơi, nhân viên y tế đi làm muộn cũng rất vất vả".
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, trước mắt, bệnh viện sẽ tập trung tìm hiểu các phương án xin hỗ trợ thêm từ các tỉnh bạn đối với bệnh nhân mới và chuyên biệt hóa công tác lọc máu của khoa Nội thận lọc máu.
Ngoài ra, bệnh viện cũng xây dựng kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu nếu tăng thêm 50 máy hoạt động và bổ sung thêm nhân lực. Thời điểm hiện tại chú yếu triển khai đủ 05 ca làm để đảm bảo cho người bệnh điều trị liên tục. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ phân công lãnh đạo trực tiếp xuống chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên.
Ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam cũng khẳng định, lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Hà Nam sẽ cố gắng hết sức, giải quyết khó khăn trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đúng quyền lợi khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh.
"Đối với trang thiết bị máy móc cũng cần có thời gian để khắc phục, kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn. Chúng tôi cảm thông, chia sẻ với những lo lắng của người bệnh, gia đình bệnh nhân và cũng mong là người bệnh cùng chia sẻ với chúng tôi vì chúng tôi đang cố gắng hết sức." - ông Trương Thanh Phòng nhấn mạnh.