Hà Nam xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi
Năm 2020, sản xuất chăn nuôi - thủy sản chiếm 52,3% giá trị toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Nam. Ðể chuyển dần chăn nuôi trong nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi trang trại, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và bảo đảm môi trường, tỉnh Hà Nam đã quan tâm đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi, hướng đến một nền chăn nuôi bền vững.
Năm 2020, sản xuất chăn nuôi - thủy sản chiếm 52,3% giá trị toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Nam. Ðể chuyển dần chăn nuôi trong nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi trang trại, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và bảo đảm môi trường, tỉnh Hà Nam đã quan tâm đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi, hướng đến một nền chăn nuôi bền vững.
Hiệu quả từ chuỗi liên kết
Ðến nay, tổng đàn lợn của tỉnh Hà Nam đạt hơn 355 nghìn con. Tuy chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tốc độ tái đàn chậm, giá cả thị trường luôn biến động, song lợn vẫn là con nuôi chủ lực của tỉnh, cơ cấu thịt lợn hơi xuất chuồng chiếm 73,8% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại; giá trị chăn nuôi lợn cao, chiếm 56% trong tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, gấp khoảng 13 lần tổng giá trị sản xuất của chăn nuôi trâu và bò. Cùng với đó, Hà Nam còn có hai chuỗi liên kết chăn nuôi lợn không khép kín với tổng đàn hơn 53 nghìn con; 297 cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô hơn 100 con. Ước tính tổng đàn lợn tại các chuỗi liên kết với doanh nghiệp và các trang trại, gia trại chiếm khoảng 50% tổng đàn.
Nhằm phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường, tỉnh tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trực tiếp ký kết bảo đảm đầu ra với các trang trại, hộ chăn nuôi. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với hình thức, cách thức khác nhau, như mô hình liên kết theo hình thức gia công của Công ty cổ phần chăn nuôi CP; Dabaco Hà Nam. Các hộ chăn nuôi bỏ ngày công và đồng vốn đầu tư chuồng trại với quy mô nuôi từ vài trăm đến vài nghìn con gia súc, gia cầm. Công ty sẽ ký hợp đồng cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y kèm hỗ trợ kỹ thuật cho người dân và mua lại sản phẩm của người chăn nuôi để cung ứng ra thị trường.
Cuối năm 2018, Tập đoàn Masan đã khánh thành Tổ hợp chế biến thịt mát MEAT Hà Nam, công suất 140 nghìn tấn thịt lợn/năm, với công nghệ hiện đại cho thương hiệu Meat Deli. Ðể có nguồn đầu vào ổn định và an toàn, Tập đoàn Masan đã đầu tư trại nuôi lợn quy mô lớn tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An theo quy trình tiên tiến, khép kín đưa về Hà Nam giết mổ theo Tiêu chuẩn thịt lợn mát mới được ban hành. Như vậy, Tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam chính là khâu quan trọng và cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt của Masan. Từ vận hành nhà máy, sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP, đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn Global GAP, sau cùng là tổ hợp chế biến công nghệ thịt mát từ châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC. Toàn bộ chuỗi cung ứng và phân phối giữ mát, bảo đảm mang thịt mát Meat Deli đến tay người tiêu dùng tươi, ngon, sạch, an toàn. Tuy nhiên, hiện nay tổ hợp chế biến thịt được đặt tại Hà Nam nhưng trang trại lợn của nhà máy lại được đặt tại tỉnh Nghệ An, điều này dẫn đến tốn kém chi phí vận chuyển lợn từ trang trại về nhà máy. Trong khi đó, ngay thị trường tỉnh Hà Nam cũng có nhiều trang trại lợn đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng của nhà máy.
Năm 2019, HTX thủy sản Sông trong ao Hải Ðăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá theo công nghệ "Sông trong ao" với quy mô gần 3 ha mặt nước với sáu bể nuôi, hai loại cá chính là: Rô phi đơn tính và trắm cỏ. Sản lượng cá thu được tại các bể nuôi đạt khoảng 50 tấn/lứa, khả năng tối đa có thể cho sản lượng lên đến 75 tấn/lứa. Việc nuôi thủy sản theo công nghệ "Sông trong ao" tuy có mức đầu tư cao hơn nhiều lần so với cách nuôi cá truyền thống nhưng lại giúp HTX quản lý tốt hơn được nguồn con giống, dịch bệnh, thức ăn; nguồn nước luôn được làm sạch, không bị ô nhiễm, nhờ đó nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, đạt tiêu chuẩn an toàn. Vấn đề đặt ra khi đầu tư sản xuất, đó là sản phẩm nuôi theo công nghệ này bảo đảm chất lượng, nhưng nếu bán ngoài thị trường tự do cho thương lái, giá sẽ thấp, lại bị lẫn với những sản phẩm nuôi bình thường khác thì HTX sẽ bị thua lỗ lớn. Ðể khắc phục tình trạng này, Hội đồng Quản trị HTX thủy sản Sông trong ao Hải Ðăng tính đến việc xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi khép kín để phát triển bền vững. Theo đó, HTX đã đầu tư khu chế biến riêng, tìm hiểu, nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ cá gồm: Ruốc cá, chả cá, và cá kho mang nhãn hiệu của HTX. Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: Việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến khép kín của HTX hướng đến nâng cao giá trị sản xuất, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thủy sản chất lượng. Cuối năm 2020, tổng sản lượng thủy sản của HTX đạt hơn 200 tấn cá các loại. Ðể mở rộng khâu chế biến, HTX đang hướng đến liên kết với HTX sản xuất và thương mại Xuyên Việt (Hải Dương), cũng là đơn vị chuyển giao công nghệ "Sông trong ao" đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản.
Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Ngành nông nghiệp Hà Nam đặt mục tiêu đối với chăn nuôi năm 2021, phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 94.660 tấn, tăng 2,6% so với năm 2020, trong đó, thịt lợn hơi đạt 69.500 tấn, thịt gia cầm hơi 22.700 tấn, thịt trâu, bò hơi đạt 2.460 tấn. Sản lượng sữa tươi ước đạt 12.500 tấn, tăng 13,6% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 3.547 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020.
Ðể đạt được mục tiêu đề ra, cũng như phát triển chăn nuôi một cách bền vững theo chuỗi giá trị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi, chế biến, tiêu dùng là hướng đi tất yếu vì yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay là được sử dụng sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Ngành chăn nuôi tỉnh khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết, giảm thấp nhất các khâu trung gian, hướng đến phát triển một cách bền vững. Cụ thể, người chăn nuôi, các trang trại phải thay đổi cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý quy trình sản xuất. Hiệu quả của việc liên kết chuỗi trong chăn nuôi được thể hiện rõ nhất trong chăn nuôi bò sữa. Tỉnh hiện có gần 4.000 con bò sữa, đến nay, 100% số hộ chăn nuôi bò sữa đã thực hiện tốt việc liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Nhờ liên kết chuỗi, các hộ chăn nuôi đã ký hợp đồng bán sữa cho Công ty sữa Vinamilk, Công ty sữa Cô gái Hà Lan và mở cơ sở chế biến, tiêu thụ sữa theo chuỗi hệ thống nông sản sạch. Riêng thị xã Duy Tiên có gần 1.000 con bò đang cho sữa, sản lượng sữa đạt gần 14 tấn/ngày, với năng suất bình quân 18,35 kg/ngày/con. Quy mô chăn nuôi bò sữa của các hộ đã được tăng lên, bình quân mỗi hộ nuôi từ 17 đến 50 con. Ông Nguyễn Văn Can, thành viên Công ty cổ phần Sữa và giống bò Mộc Bắc ở xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên cho biết: Chúng tôi xác định, xây dựng chuỗi liên kết là biện pháp căn bản để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hướng đi này đang thật sự phát huy hiệu quả đối với những hộ nuôi bò sữa, tạo đà phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực tế tại Mộc Bắc cho thấy, việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi đã phát huy được thế mạnh đồng đất địa phương. Cụ thể là mô hình trồng ngô phục vụ chăn nuôi bò sữa. Các trang trại bò sữa trong xã ký hợp đồng thu mua ngô cho người dân. Hiệu quả nhất từ liên kết trồng ngô trên đất hai lúa làm thức ăn xanh cho bò sữa. HTX dịch vụ nông nghiệp Mộc Bắc đã ký hợp đồng với Công ty FrieslandCampina Hà Nam thực hiện trồng, chế biến, cung ứng thức ăn xanh ủ chua cho đàn bò sữa của doanh nghiệp với sản lượng gần 2.000 tấn/năm và người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã cũng được hưởng lợi rất nhiều. Như trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Nguyễn Tiến Ðạt, nằm trong Khu trang trại bò sữa kiểu mẫu Công ty FrieslandCampina mỗi năm ký hợp đồng và nhập cả chục tấn cây ngô ủ làm thức ăn cho đàn bò.
Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn đang được xem là giải pháp hữu hiệu, nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Ðó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị bền vững, ổn định kinh tế cho người chăn nuôi. Ðể mở rộng và phát triển chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, cần có chính sách hỗ trợ vốn để các trang trại mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, đồng thời có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng và phát triển các chuỗi có chứng nhận VietGAP. Ðẩy mạnh thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo động lực khuyến khích người chăn nuôi tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn, bền vững.
Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi ở Hà Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán. Giá thức ăn, giá nguyên liệu và con giống có nhiều biến động. Thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn phổ biến, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chế tài ràng buộc còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình. Ðặc biệt, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không xuất xứ tràn lan trên thị trường, khiến cho người tiêu dùng phải cân nhắc, lựa chọn.
Hà Nam xác định, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, mang lại lợi nhuận cho các bên cùng tham gia chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi để các sản phẩm chăn nuôi cung cấp ra thị trường bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, địa phương đang xây dựng quy hoạch cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch nông nghiệp tổng thể. Hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi khép kín theo chuỗi. Khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi lựa chọn quy mô chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.