'Hạ nhiệt' thị trường bất động sản
Sau nhiều tháng tăng nóng và giao dịch sôi động, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã “hạ nhiệt”. Đây là kết quả của sự vào cuộc của các cấp, ngành và các địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, những người có nhu cầu thực tế đã bắt đầu tiếp cận được với bất động sản phù hợp với điều kiện tài chính của mình.
Rao bán ki ốt bất động sản tại khu vực thị trấn Vương ( Tiên Lữ)
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, bước sang quý III, bình quân trong cả nước mức độ quan tâm đến đất nền đã giảm mạnh gần 20% so với quý I năm nay. Thực tế ở các địa phương trong tỉnh, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng, “hạ nhiệt” sau thời gian dài "nóng sốt". Đơn cử như đất nền khu vực trung tâm thành phố Hưng Yên đã chững giá trong 2 tháng trở lại đây, một số khu dân cư mới tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, mỗi suất đất khoảng 100 m2 giá cũng đã giảm 300 – 400 triệu đồng/suất so với cuối năm 2021.
Cuối năm 2021, anh Nguyễn Văn T. (phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên) chi hơn 3 tỷ đồng để mua 1 suất đất ở tại xã Liên Phương nhằm đầu tư. Anh T. chia sẻ: Thời điểm mua vào, thị trường bất động sản rất sôi động, nhiều người liên hệ với tôi hỏi mua với giá chênh lên vài trăm triệu đồng so với giá tôi mua ban đầu, nhưng xác định đầu tư trong vài năm để có lãi cao nên tôi chưa bán. Vài tháng nay không thấy người hỏi mua nữa, một số suất đất bên cạnh đã được bán với giá ngang bằng hoặc rẻ hơn giá mua ban đầu.
Không chỉ có anh T., trên thực tế nhiều nhà đầu tư "tay ngang", vốn mỏng, tham gia đầu tư bất động sản khi thị trường "nóng sốt" giờ đang đứng ngồi không yên. Khi thị trường hạ nhiệt, họ khó thanh khoản được những lô đất đã mua vào, thậm chí chấp nhận bán cắt lỗ cũng khó tìm được người mua.
Trái lại, thị trường bất động sản hạ nhiệt đang mở ra cơ hội cho những người có nhu cầu thực tế. Chị Đào Thị Duyên, người dân thị trấn Vương (Tiên Lữ) cho biết: Gia đình tôi có nhu cầu mua đất đã mấy năm nay, năm 2021, gom được khoản tiền song vì giá tăng cao nên cũng đành lỡ hẹn mua đất, xây nhà. Đầu tháng 9 này, gia đình tôi đã mua được suất đất phù hợp với kinh tế của gia đình, giá giảm hơn cuối năm 2021 gần 300 triệu đồng.
Anh Vũ Văn Nhường, quản lý tại Công ty cổ phần Dịch vụ tư vấn bất động sản Hưng Yên (thành phố Hưng Yên) cho biết: Giá bất động sản tăng cao kéo dài trong một khoảng thời gian, người mua rất ít, nhà đầu tư phải đứng trước áp lực cắt lỗ. Những giao dịch thành công của công ty thời gian gần đây đều tập trung ở phân khúc người mua có nhu cầu thực tế. Nhiều khả năng trong cuối năm nay và đầu năm sau giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm.
Giá các loại bất động sản tăng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh, ảnh hưởng tới công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư... Cơ quan chức năng đã vào cuộc, đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh, chống đầu cơ bất động sản, có biện pháp để chống “thổi” giá. Trong đó, các địa phương nhanh chóng thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.
Ngày 18.7.2022, Bộ Xây dựng có Công văn số 2653/BXD-QLN về việc triển khai thực hiện Nghị định số 44/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Theo đó, đề nghị các địa phương giao Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn quản lý nhà ở và thị trường bất động sản địa phương cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản địa phương; tổ chức vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng cũng lưu ý về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, yêu cầu báo cáo về Bộ Xây dựng theo quy định; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản. Ngày 28.7.2022, UBND tỉnh có Công văn số 1953/UBND-KT2 về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương kịp thời công bố, công khai thông tin về quy hoạch xây dựng, thông tin về các dự án nhà ở, phát triển đô thị; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân chỉ tham gia giao dịch tại các dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản; công khai thông tin các dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng dự án... Trong quý III, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai; kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thanh tra các dự án đầu tư nhà ở; giám sát việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cho Nhân dân làm nhà ở theo quy định.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202209/ha-nhiet-thi-truong-bat-dong-san-7ac4901/