Hà Nội: 20 năm mới hoàn thành cải tạo 1,14% chung cư cũ, khu tập thể cũ

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, nhằm phục vụ công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, trong đó, có công tác cải tạo chung cư cũ…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Xây dựng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề quan trọng đối với quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kết quả vẫn thấp, việc cải tạo chung cư cũ chỉ hoàn thành 1,14% so tổng số nhà chung cư cũ ở Hà Nội và 1% ở TP.Hồ Chí Minh.

Cụ thể, tại Hà Nội, năm 2020, toàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng vào giai đoạn 1960 đến 1992. Nhưng 20 năm qua mới hoàn thành cải tạo khoảng 1,14% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ cần được sửa chữa, cải tạo, làm mới. Diện tích căn hộ cũ phần lớn từ 30-50 m2/căn, cá biệt, tại Khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, khoảng 70% số căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30 m2, nhưng hầu hết đều đã tự cơi nới, sửa chữa để “sống tạm”, khá nguy hiểm và làm ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, theo thời gian, do không duy tu bảo trì thường xuyên nên hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, khiến nhiều chung cư cũ tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, một số hỏng nặng gây nguy hiểm về an toàn kỹ thuật kết cấu công trình. Qua thống kê, tổng cộng có số 401 chung cư cũ được kiểm định, thì 80 chung cư cũ nguy hiểm thuộc mức độ D (cấp độ nguy hiểm nhất) song thành phố mới triển khai 32 dự án cải tạo chung cư cũ với 18 dự án hoàn thành; trong đó, 2 dự án đã đưa vào sử dụng, 14 dự án đang triển khai.

Còn tại TP.Hồ Chí Minh, khi chương trình hành động chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ của Thành ủy TP.HCM đưa ra từ năm 2016 cho đến năm 2020, mới có 2 chung cư cũ cải tạo, xây mới trong số 237 chung cư của kế hoạch đề ra; 3 chung cư đang thi công dang dở quy mô khoảng 260.000m2 sàn với hơn 2.000 căn hộ.

Ngoài ra, nội dung báo cáo cũng cho biết, hiện nay, hệ thống đô thị đang tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.

Đến hết tháng 9/2023, nước ta có tổng số 902 đô thị. Trong đó có: 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 42,6% (năm 2015 là 35,7%). Các chuỗi, chùm đô thị được hình thành và phân bố tương đối hợp lý trên 6 vùng kinh tế - xã hội của quốc gia, dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên tuyến hành lang Đông - Tây. Hai vùng đô thị lớn (vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.Hồ Chí Minh) đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của quốc gia, đóng vai trò là các cực tăng trưởng kinh tế chủ đạo.

Mặt khác, chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 23,2m2/người; diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 24,5m2/người; diện tích nhà ở bình quân tại nông thôn đạt 22,5m2/người.

Bộ Xây dựng cho biết, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm mạnh diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và tăng nhanh diện tích đất chuyên dùng, đất đô thị.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ha-noi-20-nammoi-hoan-thanh-cai-tao-1-14-chung-cu-cu-khu-tap-the-cu.htm