Hà Nội: 200 trường của 17 huyện đã triển khai học tập trực tiếp trong ngày 22/11

Với tổng số 794 lớp học, trong đó có 27.216 học sinh đi học, 707 vắng mặt và 1880 giáo viên đến trường còn vắng 43 thầy cô...

Ảnh minh họa.

Theo đó, học sinh khối 9 các trường trung học cơ sở thuộc 10 huyện của Hà Nội gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa đều đã cho học sinh đi học trực tiếp trở lại.

THẦY TRÒ PHẤN KHỞI KHI ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Theo báo cáo của các huyện, ngày 22/11 có 200/459 trường cho học sinh đến trường học tập trực tiếp, tổng số 794 lớp học, tổng số học sinh đi học 27.216/27.923 (97,47%), vắng 707 học sinh (2,6%). Tổng số giáo viên đến trường 1880/1923 (97,76%), vắng 43 giáo viên.

Trong buổi học đầu tiên, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình tổ chức dạy học trực tiếp tại một số trường học ở huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh. Ghi nhận chung, tâm lý của thầy cô và học sinh đều phấn khởi khi được đến trường dạy-học trực tiếp. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nhà trường, địa phương vẫn xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trực tiếp.

Được biết, để sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp, chiều 21/11, theo báo cáo từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường của 17 huyện ngoại thành Hà Nội đã hoàn thành công tác chuẩn bị.

Cụ thể, huyện Mê Linh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra trực tiếp tại các nhà trường và nhận định: "Các nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học an toàn".

Còn huyện Sóc Sơn cũng khẩn trương tiến hành rà soát 27 trường trung học cơ sở trên địa bàn. Căn cứ theo mốc thời gian của thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, còn 3 xã có ca F0 là xã Phú Cường, Tân Dân và Hiền Ninh nên các trường học thuộc địa bàn các xã này chưa thể đón học sinh trở lại trường.

Với 24 xã còn lại, có 5 xã đang nghi ngờ có ca F0, đêm 21/11 mới có kết quả xét nghiệm khẳng định. Việc cho học sinh ở các xã này đi học sẽ được quyết định căn cứ vào tình hình thực tế, bảo đảm đúng quy định và an toàn. Các nhà trường đã tổ chức họp để rà soát, cập nhật điều kiện về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhất là số lượng giáo viên đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch Covid-19.

Tương tự tại huyện Thạch Thất, đến 17h ngày 21/11, tất cả các trường học đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường. Hiệu trưởng các trường trung học cơ sở chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp họp trực tuyến với phụ huynh học sinh để tiếp thu ý kiến và báo cáo các cấp xin ý kiến chỉ đạo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đón học sinh trở lại trường.

Như vậy, cùng với học sinh lớp 9 của các trường học ở huyện Ba Vì đã được đi học từ ngày 8/11, học sinh lớp 9 của các trường học ở 17 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 22/11.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, có thể bố trí thời gian đi học của học sinh cho phù hợp, chậm nhất trước ngày 24/11. Các nhà trường chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.

PHẢI CHẶT CHẼ VỀ QUY ĐỊNH PHÒNG DỊCH

Sau một thời gian dài học trực tuyến để phòng chống dịch, việc học sinh được trở lại trường học trực tiếp không chỉ là niềm vui của học trò, của phụ huynh, của thầy cô mà còn của toàn xã hội.

Theo như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, “Chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy. Do đó, nếu ngày tháng nào đó bình yên, chúng ta được cùng các học sinh tới trường, đó sẽ là một ngày quý giá bởi đây đã trở thành một nhu cầu cấp thiết”.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia đều cho rằng, nếu học sinh cứ tiếp tục học online dài ngày sẽ không chỉ ảnh hưởng tới việc tiếp nhận kiến thức mà còn tác động rất nhiều đến sự phát triển thể chất, tâm lý của các em học sinh. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại, các trường cần có quy định chặt chẽ về chống dịch.

Khi học sinh đi học trở lại thì nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao do các em học tập, sinh hoạt trong phạm vi tập thể nên cần thực hiện giãn cách theo từng đơn vị lớp, học sinh chỉ nên sinh hoạt trong lớp của mình, hạn chế tối đa các hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp.

Bên cạnh đó, khuyến cáo các em phải thực hiện tốt 5K. Lưu ý gia đình nào có thành viên hoặc bản thân trẻ bị sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ học, khai báo y tế, thông báo với nhà trường để phối hợp xử lý.

Liên quan đến vấn đề an toàn cho học sinh khi mở cửa trường, ngày 8/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, bà các địa phương cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp.

Nhưng phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý học sinh.

Có thể nói, dịch bệnh đã khiến việc dạy và học phải hết sức linh hoạt, linh hoạt để điều chỉnh, để ứng phó với các tình huống phức tạp. Đối với toàn ngành Giáo dục, linh hoạt thích ứng là một năng lực của ngành, thích ứng với các hoàn cảnh là năng lực của từng cá nhân.

Thanh Xuân -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ha-noi-200-truong-cua-17-huyen-da-trien-khai-hoc-tap-truc-tiep-trong-ngay-22-11.htm