Hà Nội: Ấm lòng quán cơm 2000 đồng chỉ phục vụ những vị khách đặc biệt

Nằm đối diện cổng chính Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), quán cơm nhỏ với tên gọi 'Nụ cười Shinbi' của vợ chồng anh chị Lâm My phục vụ những suất cơm giá 2000 đồng cho những bệnh nhân đặc biệt và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Quán cơm "Nụ cười"

Thành lập và quản lý quán cơm "Nụ cười Shinbi" là vợ chồng anh Võ Tiên Lâm (45 tuổi) và chị Nguyễn Trà My (37 tuổi), ngụ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cả hai đều đang công tác trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Quán cơm "Nụ cười Shinbi" của hai anh chị hiện đang là nơi tiếp đón, phục vụ miễn phí hàng trăm vị khách đặc biệt - họ đều là những bệnh nhân bị ung thư đang trong quá trình điều trị tại Bệnh viện K.

Theo chị Nguyễn Trà My, chủ quán cơm "Nụ cười Shinbi" chia sẻ về quá trình mở, hoạt động lại quán cơm mà các bệnh nhân ở đây gọi với tên thân thiện là quán cơm "Nụ cười". Chị My cho biết: "Thời điểm trước dịch COVID-19, quán có tên gọi là quán Yên Vui Tân Triều do một quỹ từ thiện khác hoạt động. Khi quán tạm dừng thì vợ chồng tôi quyết định thuê lại, cộng với sự giúp đỡ của bác sĩ Hòa - Viện Nha Khoa Shinbi thì chúng tôi đã bắt đầu mở lại quán và hoạt động được khoảng 1 tháng tính đến hiện tại. Còn trước kia quán thuộc sở hữu của một quỹ từ thiện khác - Quỹ từ thiện Bông Sen tài trợ toàn bộ chi phí ăn hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều".

 "Lượng suất ăn trung bình trên ngày từ 130-200 suất, những ngày thứ 2, thứ 6 thì sẽ ít hơn chút", chị Trà My cho biết.

"Lượng suất ăn trung bình trên ngày từ 130-200 suất, những ngày thứ 2, thứ 6 thì sẽ ít hơn chút", chị Trà My cho biết.

Để duy trì hoạt động quán cơm "Nụ cười Shinbi", ngoài sự tài trợ của bác sĩ Hòa - Viện Nha Khoa Shinbi, thì quán còn nhận được sự giúp đỡ, chung tay về tiền bạc cùng các loại thực phẩm từ các anh/chị, em và bạn bè trên khắp cả nước. Đó là điều kiện và cũng là động lực để tiếp tục duy trì hoạt động của quán.

Chia sẻ về lý do khôi phục lại quán, chị Trà My tâm sự: "Trước kia vợ chồng tôi là tình nguyện viên nòng cốt, tình nguyên viên thường xuyên của quán Yên Vui Tân Triều. Vào đợt dịch COVID-19 thì anh Lâm khi đó thuộc thành viên trong chuyến xe 0 đồng và đã chở hàng tấn rau/ngày đi khắp mọi nơi để phục vụ cho người dân trên cả nước và sau đó đã trở về đây. Còn tôi sau đó đã cùng với chồng và các tình nguyện viên khác ở quán Yên Vui Tân Triều chung tay giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong suốt đợt dịch bùng phát. Thời điểm khi quán ngừng hoạt động thì vợ chồng tôi thấy hụt hẫng, nuối tiếc và cảm thấy bà con như mất đi một chốn về quen thuộc. Chính vì vậy, dù rất khó khăn nhưng chúng tôi đã bàn với nhau và đã quyết định thuê và mở lại quán để phục vụ thực đơn cho mọi người".

Ngoài sự tậm tâm, tận tình và luôn cố gắng để duy trì hoạt động quán trong khoảng thời gian đầu mở lại, vợ chồng anh chị Lâm My còn được sự hỗ trợ về tiền bạc, thực phẩm từ các nhà tài trợ, cùng những người hàng xóm chung tay đến góp công sức mỗi ngày phục vụ những người dân có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Đó cũng là động lực giúp quán cơm duy trì hoạt động lâu dài hơn, để phục vụ cho nhiều bệnh nhân K hơn nữa.

Chị My cho biết thêm: "Vì từng hoạt động cho nên khi quán mở lại thì có rất nhiều người đã truyền tai nhau đến quán để dùng cơm. Đồng thời, tôi có sự kết nối từ bên ngoài nên khi quán mở lại thì lượng suất ăn trung bình từ 130-200 suất, những ngày thứ 2, thứ 6 thì sẽ ít hơn chút. Đặc biệt, có những ngày được tài trợ khoảng 60 suất cháo thì sẽ tổng số suất ăn sẽ rơi vào khoảng hơn 200 suất cả cơm và cháo, trong đó gồm 30 suất mang sang Khoa Nhi và Bệnh viện K Tân Triều".

Vừa có giá thành thấp, thực phẩm lại sạch sẽ và đầy đủ về dinh dưỡng nên các bệnh nhân tại Bệnh viện K Tân Triều mỗi khi tới quán cơm "Nụ cười Shinbi" của vợ chồng Lâm My dùng bữa đều hết mực khen ngon.

"Tôi đang ở Bệnh viện K Tân Triều trông nom vợ điều bị bệnh ung thư. Trong thời gian đó, tôi làm tình nguyện ở quán cơm của vợ chồng em Lâm My. Vừa phục vụ bữa cơm cho các bệnh nhân tại đây và cũng trực tiếp dùng những món ăn tại đây. Tôi thực sự rất cảm động với tấm lòng của hai em, phải là những người có tâm mới mở ra quán cơm như vậy. Đặc biệt, khẩu phần ăn tại đây khá đầy đủ, có từ 3-4 món ăn mỗi bữa lại rất đầy đủ chất dinh dưỡng. Tôi cũng chỉ mong vợ chồng em Lâm My duy trì quán cơm được mãi mãi và giúp đỡ được nhiều người hơn nữa", chú Nguyễn Văn Minh ở Bắc Giang cho biết.

 Chị Nguyễn Trà My (bên phải) đang cùng các tình nguyện viên chuẩn bị suất cơm cho các bệnh nhân Bệnh viện K.

Chị Nguyễn Trà My (bên phải) đang cùng các tình nguyện viên chuẩn bị suất cơm cho các bệnh nhân Bệnh viện K.

Là người gắn bó với quán cơm từ năm 2019, bà Nguyễn Thị Bính (79 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Tôi làm việc ở quán cơm từ năm 2019 - thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát. Khi đó, tôi mới sang làm phụ bếp cho quán và trực tiếp phát cơm cho các bệnh nhân K Tân Triều. Trong quá trình phục vụ cơm cho các bệnh nhân tại đây luôn phải đảm bảo cơm ngon, canh ngọt, bởi những thực khách ở đây họ vốn đã yếu rồi nên cần phải có những món ăn ngon để đảm bảo sức khỏe. Nhìn họ ăn ngon mà tôi cảm thấy phấn khởi mà ấm lòng".

Trong số những tình nguyện viên năng nổ của "Nụ cười Shinbi", có anh Nguyễn Thắng Dương, một người khuyết tật, đi lại và phát âm khó khăn. Hằng ngày, Dương chạy chiếc xe 3 bánh, cùng vợ bán rau ở chợ để mưu sinh. Đáng lý ra, Dương là người cần được giúp đỡ. Thế nhưng, bao nhiêu ngày tiệm mở cửa là bấy nhiêu ngày Dương đảm nhận vị trí “shipper” vận chuyển nào rau, nào cháo đến từng khoa trong Bệnh viện K giúp mọi người.

'Mang đến niềm vui cho những người đặc biệt'

Quán cơm "Nụ cười Shinbi" của vợ chồng anh chị Lâm My ở hiện tại không những là nơi phục vụ những suất "cơm ngon, canh ngọt" miễn phí, mà ở đó còn chan chứa bao niềm động viên, khích lệ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nói về ý nghĩa của suất cơm dành cho những 'người đặc biệt', chị My tâm sự: "Giá suất cơm 2000 đồng nghìn thực chất ra là chúng tôi làm thiện nguyện với mọi người, chia sẻ với mọi người khó khăn về kinh tế là chính. Lý do mà tôi vẫn thu giá 2000 đồng bởi muốn tạo cho mọi người cảm giác vẫn phải trả tiền, không bị ái ngại, mắc nợ. Ngoài ra, khi thanh toán thì mọi người hay mời nhau, trả dùm cho nhau và đó là một việc rất ý nghĩa, giúp mọi người có cảm giác không bị khó khăn quá, đấy là xuất phát từ sự tôn trọng mọi người.

Và ngoài việc có thể chia sẻ về gánh nặng kinh tế cho mọi người bằng cách thu 2000 đồng/suất thì mong ước của những người tổ chức và vận hành quán là muốn các bệnh nhân ngồi đây ăn một bữa cơm thong thả, có thể trò chuyện, giao lưu với nhau để chia sẻ cho nhau những khó khăn. Ngoài ra, không gian này cũng làm cho mọi người tĩnh tâm lại, thư giãn và bớt căng thẳng hơn trong không gian ở bệnh viện".

Trong suốt quá trình hoạt đồng dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, tâm huyết và giúp đỡ từ các tình nguyện viên nên hiện tại quán cơm "Nụ cười Shinbi" vẫn hoạt động khá suôn sẻ, lượng thực khách đến quán dùng bữa ngày một nhiều mang lại niềm vui lớn không chỉ riêng vợ/chồng anh chị Lâm My mà toàn thể những người dân đang điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện K Tân Triều.

"Vợ chồng tôi mở quán "Nụ cười Shinbi" xác định lâu dài, chứ không phải một vài tháng hay là một năm. Tuy nhiên, tôi cũng hi vọng quán sẽ được lan tỏa tới mọi người, nhiều người chung tay để có thể duy trì và giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Thậm chí là sẽ mở thêm nhiều cơ sở khác ở những bệnh viện khác để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn", chủ quán cơm "Nụ cười Shinbi" tâm sự.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị My tâm bộc bạch: "Quán cơm "Nụ cười Shinbi" có rất nhiều điều kiện để có thể hoạt động một cách trôi chảy, bài bản và tốt nhất bởi vì trước đây đã có nền tảng rồi. Ngoài ra, bà con xung quanh hàng xóm rất nhiệt tình, dễ mến giúp đỡ và hỗ trợ chúng tôi rồi các tình nguyện viên và bạn bè khác luôn luôn đồng hành cùng. Ở hiện tại, tôi và ông xã sẽ cố gắng tập trung phục vụ những vị khách đặc biệt ở đây sao cho tốt nhất là ưu tiên hàng đầu".

Mong muốn lan tỏa và tiếp thêm nhiều hy vọng sống hơn nữa, anh Võ Tiên Lâm (chồng chị Trà My) cho biết: “Ngoài việc nấu cơm cho bà con hằng ngày, tôi muốn nơi đây sẽ là đầu mối cho các nhóm thiện nguyện khác. Chúng tôi sẵn sàng cho mượn bếp, cũng sẵn lòng nấu cơm hộ để họ mang phát cho các bệnh nhân ở nhiều bệnh viện khác”.

Một số hình ảnh về quán cơm 2000 đồng - "Nụ cười Shinbi"

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-am-long-quan-com-2000-dong-chi-phuc-vu-nhung-vi-khach-dac-biet-post242023.html