Hà Nội áp dụng thành công sáng kiến bỏ đèn đỏ để giảm ùn tắc giao thông
Sáng kiến bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ đạt giải nhất ý tưởng sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 - 2023 đã được thí điểm tại một nút giao thông ở Hà Nội.
Mới đây, báo Dân trí và Cục CSGT, Bộ Công an đã tổ chức Lễ tổng kết chương trình sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023.
Đáng chú ý, trong số hơn 1.400 sáng kiến gửi đến cuộc thi thì sáng kiến bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ ở Hà Nội, TP.HCM để không ùn tắc của tác giả Dương Anh Tuấn đã đạt giải nhất.
Ấp ủ nhiều năm, gõ cửa nhiều nơi
Trao đổi với PLO, anh Dương Anh Tuấn, tác giả của ý tưởng bỏ đèn đỏ và tổ chức lại giao thông cho biết nhà anh ở khu vực Nam Từ Liêm, mỗi lần di chuyển qua điểm ùn ứ Lê Công Đạo - Châu Văn Liêm - Mễ Trì anh phải mất hàng giờ đồng hồ.
Đánh giá nguyên nhân gây ùn ứ và xung đột giao thông là do đèn tín hiệu giao thông kèm theo ý thức người tham gia giao thông chưa tốt. Vì vậy, anh Tuấn tìm giải pháp để hòa giải hai vấn đề này.
"Tôi xuất thân là kỹ sư vô tuyến điện. Tôi luôn hình dung luồng vận hành phương tiện tham gia giao thông như những luồng điện. Con người thường sợ phải dừng đèn đỏ, nên cố gắng đi thật nhanh và lúc này những luồng giao thông giao cắt với nhau đã gây ra ùn ứ. Tôi đã nghiên cứu ý tưởng bỏ đèn đỏ từ năm 2016, nhưng phải đến năm 2022 mới được áp dụng.
Tôi đã gửi ý tưởng này đến nhiều nơi, Sở GTVT Hà Nội, TP.HCM. Đến năm 2022, ý tưởng này mới được áp dụng. Bỏ đèn đỏ tưởng gây ùn ứ nhưng lại xóa sổ hoàn toàn ùn ứ. Ngày thực hiện bỏ đèn đỏ, tôi đã đứng đây quan sát và thật mừng cả khu vực vốn ùn ứ hàng giờ đồng hồ nay đã xóa bỏ"- anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, giải pháp mà anh đưa ra rất đơn giản, chi phí rất thấp. Đầu tiên là bỏ đèn đỏ, tiếp theo là dựng rào chắn giữa ngã tư, ưu tiên hai hướng đường chính phương tiện chạy thẳng không phải dừng lại, hai hướng còn lại của đường cắt ngang với đường chính thay vì chạy thẳng thì rẽ phải vào đường chính, rồi phải vòng ngược lại khu vực bùng binh để nhập vào luồng giao thông chính.
Tỉnh thành nào cũng có thể bỏ đèn đỏ
Anh Tuấn cho biết ban đầu nhiều người nghĩ bỏ đèn đỏ chỉ thực hiện được duy nhất ở nút giao Lê Công Đạo - Châu Văn Liêm - Mễ Trì. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể áp dụng trên cả nước đối với những tuyến đường hai chiều và mỗi chiều đường rộng ít nhất 4 làn xe (khoảng 15 m trở lên), đặc biệt là các TP lớn.
Phát biểu tại Lễ tổng kết chương trình sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an - Trưởng ban tổ chức, cho biết sáng kiến bỏ đèn đỏ, phân luồng giao thông hiện đang được áp dụng tại nhiều nút giao thông tại Hà Nội, giải pháp này cũng đang được áp dụng tại tỉnh Bắc Ninh. Từ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực trong vấn đề ùn tắc giao thông.
"Bỏ đèn đỏ để tổ chức giao thông đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Tôi đã cùng với tác giả quan sát từ phía xa, việc bỏ đèn đỏ này đã nâng cao ý thức của người dân và mang lại hiệu quả"- Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói
"Thay vì nhà nước phải bỏ hàng tỉ đồng để mua đèn tín hiệu, vậy có thể thí điểm giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức lại giao thông ở nút giao đó. Ước tính chi phí chỉ vài chục triệu đồng nhưng hiệu quả thiết thực"- anh Tuấn nói
Anh Tuấn cho biết ý tưởng bỏ đèn đỏ ban đầu có thể gặp phải sự phản đối của người dân, các nhà khoa học, bởi lẽ ngay từ trường mầm non các học sinh đã được dạy "đèn đỏ phải dừng lại".
Đường nhỏ cũng có thể áp dụng bỏ đèn đỏ
Anh Tuấn cho biết đối với những tuyến đường hai chiều, có mỗi chiều đường rộng 3 làn xe (khoảng 12 m) nên áp dụng đèn xanh liên thông tại các nút giao với nhau, quy định vận tốc tối thiểu, lập các điểm quay - điểm dừng chờ và phân luồng cho các phương tiện. Từ đó sẽ giúp cho các phương tiện không phải dừng lại do đèn đỏ, còn lại số ít phương tiện phải dừng do đèn đỏ thì có thời gian dừng chờ ngắn hơn.
Lúc này, phương tiện không bị xung đột, cản trở bởi phương tiện chạy trên các tuyến đường khác rẽ trái. Phương tiện muốn rẽ phải và rẽ trái được di chuyển liên tục, vì thế không làm tăng mật độ phương tiện. Như vậy, số lượng phương tiện được giải phóng lớn hơn nhiều lần so với hiện nay, đường được thông suốt.
Đối với những tuyến đường hai chiều, có mỗi chiều đường rộng 2 làn xe (khoảng 8 m trở xuống) mà có các tuyến đường khác chạy song song bên cạnh thì áp dụng chuyển những tuyến đường này thành những đường một chiều ngược hướng nhau.
Sau đó, kết hợp với những tuyến đường cắt ngang tạo thành nhánh quay liên hoàn và bỏ đèn đỏ ở các nút giao. Từ đó, giúp cho phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, vì thế không làm tăng mật độ phương tiện.
Như vậy, lượng phương tiện được giải phóng lớn hơn nhiều lần so với hiện nay, đường được thông suốt – có thể áp dụng ở khu phố cổ ở thủ đô Hà Nội.
Bạn đọc nói về ý tưởng bỏ đèn đỏ
PLO có bài viết "Sáng kiến bỏ đèn đỏ đạt giải nhất cuộc thi An toàn giao thông Việt Nam 2022-2023" đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Bạn đọc Tỉnh Hoàng bình luận: Các nước trên thế giới vẫn còn hệ thống đèn đỏ ở các nút giao thông. Việt Nam bỏ đèn đỏ mà giao thông thuận lợi thì quả là kỳ tích, nhưng lực lượng để phân luồng sẽ phải làm việc gấp nhiều lần và vất vả đây...
Bạn đọc Vi Văn Ấy nói: Tôi hoàn toàn đồng ý với việc bỏ đèn đỏ các nút giao thông vì thực tế nhiều nút giao thông khi đèn đỏ bật thì trên tuyến đường cắt ngang đó không có ai đi qua. Trường hợp nếu không có đèn đỏ thì mọi phương tiện vẫn đang di chuyển bình thường.
Bạn đọc Mạnh Lê Hồng nêu ý kiến: Bỏ đèn đỏ rất hay, vì chỗ mình ở đèn đỏ khi không có ai, vừa mất thời gian chờ, vừa tốn xăng gây ô nhiễm môi trường, quá lãng phí...
Trái lại, bạn đọc Phúc Khác nói: Quê Tôi ở Quế Võ (Bắc Ninh) mỗi lần đi khám bệnh ở bệnh viện huyện - nơi này không có đèn tín hiệu giao thông ở lối vào bệnh viện. Vì vậy, mỗi lần đi là một lần vượt qua thử thách, qua đường an toàn là thấy sống, nên ý tưởng bỏ đèn đỏ để khỏi tắc đường tôi thấy không hợp lý...