Hà Nội: Bám trụ vỉa hè kiếm từng đồng lẻ để mưu sinh
Nhiều người dân 'chân lấm tay bùn' rời quê ra Hà Nội quyết bám trụ nơi vỉa hè Thủ đô để mưu sinh bởi về quê cũng chẳng biết làm gì để nuôi thân. Nhiều người lớn tuổi chỉ với bộ 'đồ nghề' gồm vài chiếc ghế, bao thuốc, chén trà… là đã có thể hành nghề bán trà đá ở khắp các phố phường Hà Nội.
Nửa đời bám trụ vỉa hè Hà Nội
Dạo quanh một vài khu phố trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những quán trà đá mọc lên san sát nhau. Đặc biệt, càng gần những tòa nhà lớn có nhiều công ty, bến xe, trường học, cổng bệnh viện… thì những quán vỉa hè này lại càng nhiều hơn. Chỉ cần dăm ba chiếc cốc, ghế nhựa, vài ấm trà,... là có đủ "đồ nghề". Những khách hàng chủ yếu là dân lao động, xe ôm, người ship hàng, dân văn phòng hay học sinh, sinh viên,... gần đó.
Hơn 80 tuổi, chỉ với bộ đồ nghề đơn giản, bà Nguyễn Thi Cương (quê Bình Xuyên, Hà Nam) đã bắt đầu mở bán trà đá từ sáng sớm đến tối muộn kiếm từng đồng lẻ để nuôi bản thân. Ngồi ngay trên vỉa hè gần Văn Miếu Quốc Tử Giám với chiếc áo đã sờn chỉ, không kể nắng mưa bà đều phải bám trụ vỉa hè để kiếm sống. Dù đã sang Xuân, nhưng những cơn gió thoảng qua cũng khiến cho người phụ nữ đã “gần đất xa trời” lại bắt đầu co ro trong hơi lạnh.
Nói đến lý do vì sao đã hơn 80 tuổi mà vẫn phải bám trụ vỉa hè, bà Cương kể, chồng mất sớm, bà có hai người con trai nhưng gia đình rất nghèo chỉ có hai sào ruộng không đủ để nuôi thân nên buộc phải xuống Thủ đô để kiếm sống.
“Dù có hai người con, nhưng chúng chẳng lành lặn như những người khác để có thể ra ngoài đi làm việc bươn trải để phụng dưỡng tôi. Anh cả thì thường xuyên ốm đau bệnh tật không có đủ sức khỏe đi làm. Còn anh út thì bị thiểu năng từ nhỏ người lúc tỉnh, lúc mơ. Cũng vì lý do này mà tôi buộc phải rời quê xuống Hà Nội để kiếm một công việc ổn định cuộc sống. Nhưng người già cả như tôi làm gì có ai nhận nên chẳng biết phải làm gì ngoài bán vài cốc trà đá ngoài vỉa hè để kiếm sống”, bà Cương nghẹn ngào nói.
Theo bà Cương, gần 10 năm nay bươn trải ở Hà Nội trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng đều không ổn định bằng việc bán trà đá. “Hồi đầu mới xuống Hà Nội tôi đi nhặt ve chai kiếm từng đồng bạc lẻ, ngày nhiều thì 30-40 nghìn đồng ngày ít thì chẳng kiếm được đồng nào. Cũng may mắn, già rồi nên được nhiều người thương thi thoảng cho chai nước, gói bánh để sống qua ngày. Thấy cuộc sống tôi khó khăn quá, nên nhiều người đã bày cho cách mua vài bộ bàn ghế, ấm trà để bán trà đá trên vỉa hè để mưu sinh”, bà Cương tâm sự.
Hoảng hồn những lần công an "đuổi"
Bà Cương tâm sự, số tiền kiếm được chẳng là bao nhưng cũng chẳng dễ dàng. "Những ngày công an đi tuần tra, xử lý tôi hoảng hồn, lo sợ rồi nhanh chóng kêu khách đứng dậy, cất đồ vào trọ chờ đến khi công an phường quay đi rồi mới lại tiếp tục lấy trà ra bán", bà cho hay.
“Nhìn thấy tôi già cả, các chú công an phường cũng thấy thương, mỗi khi thấy tôi ngồi bán thì chỉ nhắc nhở tôi dọn dẹp chứ cũng chẳng nỡ lòng nào tịch thu đồ của tôi cả. Tôi cũng biết mình sai khi bày bán hàng trên vỉa hè nhưng không làm thì tôi không biết lấy gì để sống”, bà Cương nói.
Ngồi một góc phố Tô Hiệu, bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi, Cầu Giấy) cũng đăm chiêu suy nghĩ về số phận quán trà đá vỉa hè vốn là cả "nồi cơm" của mình. Bà Mai tâm sự, chưa bao giờ bà thấy lực lượng chức năng "làm căng" dẹp vỉa hè như hiện tại.
"Trước đây Công an phường còn thương không tịch thu đồ nhưng mấy ngày nay nghe nói Hà Nội chỉ đạo quyết tâm lấy lại vỉa hè dành cho người đi bộ nên làm căng lắm, bắt được sẽ tịch thu luôn đồ đạc. Biết thế nhưng tôi vẫn tranh thủ bán được ngày nào hay ngày đấy. Chứ sau này không còn vỉa hè bán hàng nữa cũng chẳng biết sẽ làm gì cả”, bà Mai cho hay.
Những trường hợp tận dụng vỉa hè để buôn bán như bà Cương, bà Mai nhan khản khắp Thủ đô. Thế nhưng, đằng sau những hàng quán lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè là cả những cuộc đời bám trụ vỉa hè kiếm sống. Dù ai cũng ngầm hiểu, việc lấn chiếm vỉa hè là sai quy định thế nhưng vỉa hè cũng đã người dân nghèo từ quê ra thành phố có việc làm và thu nhập ổn định.
Trước đó, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn Thành phố.
Phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".