Hà Nội bàn cách gỡ vướng đầu tư công
Trong 2 ngày qua, kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần thứ 18 đã dành thời gian thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, trong đó có công tác giải ngân đầu tư công.
Thông tin với HĐND thành phố về công tác giải ngân đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, giai đoạn 5 năm qua HĐND đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng mức vốn đầu tư 134.800 tỷ đồng. Đến nay các dự án, nhiệm vụ đầu tư do thành phố phục trách đã giải ngân được hơn 84.000 tỷ đồng, đạt 78,7%; cấp quận, huyện giải ngân được 16.000 tỷ đồng, đạt 70,8%. Dự kiến, hết năm 2020, kế hoạch giải ngân đầu tư công giải đoạn 2016 - 2020 toàn thành phố là 90%. Với 10% vốn đầu tư công còn lại - tương đương 13.000 tỷ đồng, UBND thành phố sẽ báo cáo HĐND cho chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Nam, suốt nhiệm kỳ 5 năm vừa qua chưa năm nào thành phố giải ngân đầu tư công được 80%. “Giải ngân đầu tư công tắc, chậm là căn bệnh kinh niên của nhiệm kỳ vừa rồi”, ông Nam đánh giá. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho rằng đang tồn tại những vướng mắc, bất cập chậm được tháo gỡ, công tác quản lý kinh tế - xã hội, phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Nam dẫn chứng cụ thể công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với phần thi công được giải ngân bằng đầu tư công tại quận Hai Bà Trưng. Hiện công tác GPMB đang có nhiều bất cập khi quy định người dân phải bốc thăm quyền mua nhà. Thực tế nhiều gia đình không có nhu cầu mua nhà, chỉ cần nhận tiền, nhưng quy định hiện nay là phải xây nhà tái định cư để người dân bốc thăm quyền mua. “Dự án mở rộng đường Vành đai 2 đi qua địa bàn quận Hai Bà Trưng có hơn 2.000 hộ dân phải GPMB, nhưng chỉ có 5% nhận nhà, còn lại 95% là nhận tiền. Nhưng với quy định trên, người dân vẫn phải chờ có nhà tái định cư để bốc thăm, rồi mới ra được số tiền họ được nhận. Việc này vừa gây ức chế cho người dân, vừa gây áp lực với thành phố, làm kéo dài thời gian GPMB cho dự án”, ông Nam nêu.
Một bất cập nữa, theo ông Nam: Khi triển khai các dự án mua sắm, trang thiết bị phục vụ việc công, UBND thành phố yêu cầu quận, huyện, thậm chí xã, phường phải tập trung về thành phố để mua sắm tập trung. Tại một số địa phương, bàn ghế học sinh, máy tính, máy điều hòa… bị hỏng, muốn sắm mới, đại diện các sở ngành, quận huyện chủ quản lại phải chạy về UBND thành thành phố xin xác nhận, sau đó chờ để được mua sắm tập trung. “Theo tôi cần phải xem lại tính hợp lý của quy định này, nhiều lần họp HĐND đại biểu đã có ý kiến rút ngắn hoặc điều chỉnh nhưng đến nay vẫn thế”, ông Nam nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nói, sau kỳ họp, Sở KH&ĐT sẽ lên phương án điều chỉnh, sửa đổi các quy định về đầu tư, mua sắm công.
Cát tặc lộng hành, có bảo kê hay không?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi với Công an thành phố Hà Nội về 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung nêu xã Xuân Thu (Sóc Sơn) có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, trách nhiệm của lực lượng chức năng thế nào? Có tình trạng bảo kê hay không? Đại biểu Dương Thị Hằng cũng đặt câu hỏi cho lãnh đạo xã Xuân Đình (Phúc Thọ) về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép...
Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (Phúc Thọ) cho biết, thời gian qua cát tặc lộng hành trên địa bàn xã (cao điểm nhất là 2018 - 2019). Sau khi lực lượng chức năng truy quét, xử lý, đến cuối năm 2019, tình trạng khai thác ồ ạt đã chấm dứt. Đến khoảng tháng 7/2020, cát tặc lại tiếp tục khai thác, chủ yếu là từ đêm đến rạng sáng, quy mô nhỏ hơn. “Với cấp xã, hiện nay không có phương tiện, không có lực lượng không làm gì được. Chúng khai thác ở giữa sông, mà ở giữa sông chỉ cơ quan chức năng chuyên môn mới xử lý được”, vị này nói, đồng thời đề xuất được cấp xuồng để xử lý cát tặc.
Đại diện Công an huyện Đan Phượng cho rằng, việc xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép rất khó, vì phải chứng minh được việc thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng mới khởi tố được.