Hà Nội ban hành chế tài thực hiện kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân

Trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn đánh giá của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội: Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp Hà Nội là điểm sáng trong hoạt động của các cơ quan dân cử cả nước.

Chất vấn những vấn đề lớn, quan trọng

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, giám sát là chức năng quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm của một số tỉnh, thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng bản lĩnh, thẳng thắn, thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của luật và tình hình thực tiễn của thành phố để giải quyết các vấn đề.

 Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày tham luận tại hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày tham luận tại hội nghị.

Cụ thể, năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố đã tổ chức 2 phiên chất vấn, 2 phiên giải trình, 41 cuộc giám sát, khảo sát với những kết quả thiết thực. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức giám sát các nội dung, lĩnh vực theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Các nội dung giám sát được lựa chọn đều là những vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, được dư luận và cử tri quan tâm như: Giám sát về công tác quy hoạch; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về quản lý, sử dụng tài sản công; các dự án chậm triển khai; xử lý nước thải, thoát nước và thu gom, xử lý rác thải; việc đầu tư các thiết chế văn hóa; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị không đồng bộ”, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nói.

Kết quả cho thấy nhiều nội dung, vấn đề đã tồn tại nhiều năm, thậm chí đã được giám sát nhưng chậm chuyển biến, được thẳng thắn chỉ ra và tái giám sát để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục hiệu quả.

“Có nhiều vấn đề lớn, quan trọng được chuyển hóa thành các nội dung chất vấn, giải trình, và toàn bộ nội dung đều được phản ánh, cung cấp bằng phim tư liệu bảo đảm sinh động. Theo dõi, đôn đốc cho đến khi thực hiện xử lý dứt điểm vấn đề đặt ra”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Có lộ trình, chế tài thực hiện kết luận giám sát

Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, khi tổ chức thực hiện hoạt động giám sát cần nghiên cứu, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương và các chỉ đạo của Trung ương, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; bám sát và thực hiện hiệu quả quy định của luật cũng như hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giám sát.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và các đại biểu dự hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và các đại biểu dự hội nghị.

Hà Nội đã ban hành quy định về các chế tài trong thực hiện kết luận giám sát; xem xét chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý với các vi phạm nghiêm trọng. Việc thực hiện các kết luận giám sát cũng là tiêu chí để cơ quan tổ chức xem xét, đánh giá cán bộ và xét thi đua, khen thưởng.

Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp là cơ sở pháp lý rất quan trọng, thiết thực nhằm tạo chuyển biến, chuẩn hóa, theo hướng đồng bộ, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Nhấn mạnh như vậy, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai nghiêm túc nghị quyết này tới Hội đồng nhân dân các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn trên địa bàn toàn thành phố với gần 12.000 đại biểu tại các điểm cầu.

“Kết quả cho thấy, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát, tái giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đã ngày càng bài bản, thống nhất, lan tỏa và có những chuyển biến rõ nét”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí cùng chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí cùng chủ trì hội nghị.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng nêu kinh nghiệm rất quan trọng khác là phải định lượng được kết quả thực hiện các kết luận giám sát. Đồng thời, kết luận giám sát phải chỉ ra các tồn tại, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân và lộ trình, giải pháp khắc phục. Nghị quyết chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố có phụ lục các cam kết tiến độ, mốc thời gian hoàn thành đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong triển khai thực hiện.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định đưa việc thực hiện hiệu quả cam kết, lời hứa trong chất vấn, trong giám sát của Hội đồng nhân dân là tiêu chí đánh giá đánh giá cán bộ trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ha-noi-ban-hanh-che-tai-thuc-hien-ket-luan-giam-sat-cua-hoi-dong-nhan-dan-719590