Hà Nội ban hành phương án 8.000 giường bệnh điều trị COVID-19
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Phương án số 182 đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mục đích của phương án nhằm bố trí các bệnh viện bảo đảm đủ điều kiện để sẵn sàng thu dung, điều trị cho 8.000 người bệnh mắc COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch, phù hợp với tình hình dịch bệnh; đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện phương án đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người bệnh mắc COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 ca mắc trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong triển khai phương án.
Đồng thời, phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các lực lượng tham gia phục vụ; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, cung ứng đầy đủ trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao..., lương thực, thực phẩm và các điều kiện phục vụ để chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn đáp ứng 2.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 10.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 4.000 giường bệnh điều trị người mắc COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 20.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Nguyên tắc phân luồng người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3416 ngày 14/7/2021 về việc hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19. Theo đó, 80% bệnh nhân không có triệu chứng; khoảng 20% bệnh nhân mức độ vừa, nặng và nguy kịch; 5% bệnh nhân cần điều trị hồi sức tích cực. Do vậy, với trường hợp 40.000 người bệnh mắc COVID-19 sẽ có 8.000 người bệnh có triệu chứng mức độ vừa và nặng (6.000 mức độ vừa, 2.000 mức độ nặng và nguy kịch).
Trên cơ sở phân loại người bệnh theo mức độ bệnh sẽ phân chia các cơ sở thu dung, điều trị như sau: Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và nhẹ (có các phương án riêng). Việc điều phối bệnh nhân COVID-19 đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc phân luồng tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay theo 4 đối tượng:
Thứ nhất là người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ:
Không triệu chứng là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 >= 96% khi thở khí trời.
Những trường hợp này được chuyển đến các cơ sở thu dung điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và nhẹ.
Riêng người bệnh >= 65 tuổi, mắc bệnh nền, bệnh cấp tính khác, béo phì chuyển đến các bệnh viện: Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đống Đa, Đa khoa huyện Mê Linh, Bắc Thăng Long, Đa khoa huyện Gia Lâm.
Thứ hai là người bệnh COVID-19 mức độ vừa (viêm phổi):
Triệu chứng với người lớn và trẻ lớn bị viêm phổi (sốt, ho, khó thở, thở nhanh > 20 lần/phút) và không có dấu hiệu viêm phổi nặng, SpO2>=93% khi thở khí trời. Còn đối với trẻ nhỏ có ho hoặc khó thở và thở nhanh. Thở nhanh được xác định khi nhịp thở >= 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng; >= 50 lần/phút ở trẻ từ 2 đến 11 tháng; >=40 lần/phút ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi) và không có các dấu hiệu của viêm phổi nặng.
Việc chẩn đoán dựa vào lâm sàng, tuy nhiên, hình ảnh X-quang, siêu âm hoặc CT phổi thấy hình ảnh viêm phổi kẽ hoặc phát hiện các biến chứng. Các trường hợp này được chuyển đến các bệnh viện: Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đống Đa, Đa khoa huyện Mê Linh, Bắc Thăng Long, Đa khoa huyện Gia Lâm.
Thứ ba là người bệnh COVID-19 mức độ nặng - mức độ nguy kịch:
Những trường hợp này được chuyển đến các bệnh viện: Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, các bệnh viện trung ương được phân công điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thứ tư là người bệnh COVID-19 cần điều trị chuyên khoa:
Người bệnh cần lọc thận chu kỳ chuyển đến Bệnh viện Bắc Thăng Long; người bệnh thuộc chuyên ngành Nhi, Sản, Ngoại; người nước ngoài chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Trong quá trình tiếp nhận và điều trị người bệnh, căn cứ vào mức độ lâm sàng, tình hình diễn biến lâm sàng của người bệnh COVID-19 và diễn biến các bệnh lý khác, các cơ sở sẽ có phương án chuyển tuyển phù hợp.