Hà Nội: Biệt thự Pháp cổ 'lột xác' sau trùng tu
Trong những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã và thực hiện cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự, công trình kiến trúc cổ, khôi phục và lưu giữ những nét đẹp lâu đời tại các công trình này. Mới đây, hai tòa biệt thự trên phố Trần Hưng Đạo đã hoàn tất việc trùng tu, cải tạo, 'hồi sinh' diện mạo khu phố cũ cũng như trở thành điểm đến thú vị cho khách tham quan.
Ngôi biệt thự cổ hai mặt tiền có vị trí tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là kết quả hợp tác giữa UBND quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội và đơn vị cố vấn là vùng Ile-de-France và Cơ quan hỗ trợ Hợp tác Quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam (PRX).
Theo ông Emmanuel Cerise, Giám đốc PRX, hỗ trợ chuyên môn cho dự án, căn biệt thự này được xây dựng khoảng năm 1895-1898, cùng thời điểm ra đời đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo).
Ngôi biệt thự hai tầng với diện tích xây dựng 174m2, nằm trên khuôn viên 993m2. Trước đây, do bị bỏ hoang một thời gian rất dài, tòa biệt thự này đã xuống cấp trầm trọng, gây mất mỹ quan đô thị cũng như có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sau khi được cải tạo, khôi phục gần như hoàn toàn so với hiện trạng ban đầu, nhiều người không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp của công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử này.
Hiện nay, công tác cải tạo tòa nhà biệt thự này đã hoàn tất. Ngôi nhà được sử dụng làm trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của quận Hoàn Kiếm.
Ngay cạnh đó, tại số 51 phố Trần Hưng Đạo, một tòa nhà biệt thự cổ cũng đang được trùng tu, cải tạo. Đây là một công trình đã chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước.
Nằm trong khuôn viên với tổng diện tích 2.000m2, trong đó diện tích nhà ở là 800m2, ngôi nhà này ban đầu được xây dựng làm nơi ở cho Đốc lý Hà Nội. Năm 1945, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, đây là nơi ở của ông. Do đó, nhiều người gọi tòa biệt thự này là "Dinh Bảo Đại" thứ 8. Hiện nay, tòa nhà biệt thự này đang dần hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, tiếp tục được sử dụng làm trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Từ năm 2022 cho tới nay, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm đạt mục tiêu chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1945. Việc cải tạo các công trình kiến trúc này vừa nâng tầm cảnh quan đô thị, lưu giữ những giá trị lịch sử, đồng thời tránh lãng phí những “khu đất vàng” tại Thủ đô.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-biet-thu-phap-co-lot-xac-sau-trung-tu-379390.html