Hà Nội bỏ điều kiện riêng về hộ khẩu: Không còn nỗi lo học trái tuyến

Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật vừa làm việc với thành phố Hà Nội về dự thảo Luật Cư trú. Hà Nội chấp nhận bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân đang nhận được nhiều ý kiến.

Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân đang nhận được nhiều ý kiến.

Học trái tuyến chỉ vì bị sổ đỏ "trói"

Buổi làm việc chỉ ra rằng, việc tồn tại quy định riêng chỉ giảm được nhập khẩu. Nó không giảm được nhập cư và gây bất bình đẳng về quyền cư trú. Quy định này còn khiến người ngoại tỉnh đã khó khăn về kinh tế lại còn phải sử dụng các dịch vụ điện, nước theo giá kinh doanh đắt đỏ. Con em phải học trường tư, trái tuyến, hạn chế trong việc tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước…

Có ý kiến lo ngại rằng, việc bỏ điều kiện riêng về thường trú sẽ làm quá tải cơ sở y tế, giáo dục. Tuy nhiên, Hà Nội cho biết, điều này không ảnh hưởng nhiều. Bởi thực tế, công dân vẫn sinh sống và đang sử dụng các dịch vụ thiết yếu này. Hà Nội khẳng định, về lâu dài, cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục vẫn phải được đầu tư thích đáng.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh lại nhận định, phương thức quản lý dân cư mới theo dự luật không chỉ giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ. Nó còn giúp thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính.

Những thông tin về hộ khẩu được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẽ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Do đó, không gây cản trở việc thực hiện các quy định khác như một số đại biểu băn khoăn, lo lắng.

Không còn phải gửi con về quê học

Theo đại diện ban soạn thảo dự án luật sửa đổi, có tới 167 văn bản liên quan đến sổ hộ khẩu. Trong đó một số văn bản thực hiện theo quy định của sổ hộ khẩu giấy, mặc nhiên sẽ hết hiệu lực sau đó. Còn một số văn bản khác sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân. Bởi vậy, Luật Cư trú (sửa đổi) không những phù hợp với xu thế mang lại nhiều thuận lợi cho nhân dân.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ban Pháp luật của Quốc hội - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Luật Cư trú đang bất lợi cho người lao động chưa có sổ hộ khẩu tại nơi làm việc. Bởi nhiều lý do một bộ phận lao động tại các thành phố, địa phương chỉ có sổ tạm trú. Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực sẽ rất phù hợp, hợp lý với tình hình đất nước, cần thiết với xu thế phát triển. Đặc biệt, mang lại quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho công dân lao động…".

Theo ĐB Hòa, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… việc người dân cư trú lao động làm việc mà không có sổ hộ khẩu sẽ rất khó khăn. Ông nói: "Trong khi nhiều gia đình ở lâu dài, công việc ổn định nhưng đăng ký hộ khẩu là rất khó khăn. Bất hợp lý này dẫn đến việc con cái học hành rất khó khăn. Nhiều gia đình phải gửi con về quê đi học. Vì ở quê (nơi sinh) mới có hộ khẩu... Nếu học trường tư tại nơi không có hộ khẩu thì chi phí rất lớn...".

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ "thông thoáng" cho người dân đến với cơ quan công quyền, thuận lợi trong các thủ tục hành chính và đối tác. Việc bỏ sổ hộ khẩu không liên quan đến nhập cư. "Chính quyền phải có căn cơ, giải pháp đồng bộ, chính sách xã hội để người dân hạn chế đến thường trú ở nội thành. Đó là tạo công ăn việc làm ra các vùng nông thôn, việc làm tại chỗ, di chuyển cơ quan Nhà nước ra khỏi nội đô… Bởi tâm lý ở đâu mà nơi đó có việc làm, tạo ra thu nhập tốt thì người lao động sẽ tập trung đông...", ĐB Hòa lý giải.

Phù hợp với xu thế

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến cho biết, ông ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu. Vì lâu nay sổ hộ khẩu đã gây rất nhiều phiền hà cho người dân.

"Hàng trăm thủ tục đều dính dáng đến sổ hộ khẩu. Thậm chí phải có nhà mới có sổ hộ khẩu. Có sổ hộ khẩu mới xin được cho con đi học. Nó gây khó khăn cho người lao động…", ông Lê Như Tiến nói.

"Sổ hộ khẩu đã quá lạc hậu. Với mã số định danh, công dân đi đến đâu, bất cứ địa phương nào cũng có thể tra cứu được thông tin họ tên, quê quán, năm sinh, nghề nghiệp, giới tính...", ĐB Lê Như Tiến nói.

Ông cho biết, trong Luật Cư trú (sửa đổi), Quốc hội sẽ đưa ra quyết định bỏ sổ hộ khẩu. Thay vào đó là mã số định danh công dân. Mã số định danh sẽ tích hợp các yếu tố giúp cơ quan quản lý cư dân thuận tiện, hiện đại mà các nước trên thế giới đã làm.

Xin học cho con, sửa nhà, làm chứng minh thư, giấy phép xây dựng, mua xe ô tô, khai sinh, khai tử... cái gì cũng mang sổ hộ khẩu đi. Trong khi đó, mã số định danh công dân được tích hợp và quản lý trên hệ thống phần mềm quản lý cư dân, tức là quản lý bằng công nghệ thông tin, thời đại 4.0.

An cư lập nghiệp với mã số định danh

Anh Vũ Mạnh Tưởng quê ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đang sinh sống làm việc tại Hà Nội. "Khi đọc được thông tin về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân và được đăng ký thường trú tôi thấy rất vui", anh Tưởng nói.

Anh Đoàn Xuân Điều quê huyện Yên Mô (Ninh Bình) ra Hà Nội lập nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua do không đủ tiền mua nhà, không làm được sổ hộ khẩu và không thể xin cho con vào trường công lập để học được.

"Vợ chồng trẻ, kinh tế eo hẹp, việc không xin được cho con học trường công lập nên anh phải cho con về quê nhờ ông bà cho đi học. Nếu Luật Cư trú mới bỏ sổ hộ khẩu, dùng chứng minh nhân dân giao dịch sẽ thuận tiện cho công dân trẻ lập nghiệp tại thành phố…", anh Điều bày tỏ.

Trước đó (12/5/2020), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 28 thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quốc hội tán thành việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-bo-dieu-kien-rieng-ve-ho-khau-khong-con-noi-lo-hoc-trai-tuyen-1595384511057.html