Hà Nội bổ sung đối tượng vay vốn chính sách xã hội: Phù hợp định hướng về an sinh

Các ý kiến phản biện cho rằng, Nghị quyết ban hành và bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay là rất cần thiết, đúng thời điểm, đúng định hướng về an sinh xã hội của TP Hà Nội và đặc thù của Thủ đô trong công tác tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Sáng nay, 28/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) của TP Hà Nội, do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương chủ trì.

Dự hội nghị có: Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện thuộc TP; chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…

Bổ sung 3 nhóm đối tượng vay vốn

Trình bày dự thảo Nghị quyết của HĐND TP và Tờ trình của UBND TP về nội dung này, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, Nghị quyết quy định một số đối tượng đặc thù được thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn Hà Nội thông qua các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai theo nghị định/quyết định của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng áp dụng là cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách TP, ngân sách cấp huyện ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị

Đặc biệt, Nghị quyết quy định bổ sung đối tượng vay vốn đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn TP đối với một số chương trình tín dụng đang triển khai tại Ngân hàng CSXH cụ thể. Thứ nhất, chương trình cho vay học sinh sinh viên: Hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang học tại các trường đại học (hoặc tương đương), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của luật; hộ gia đình có vợ/chồng là người dân tộc thiểu số/người mù/người khuyết tật, hoặc có vợ/chồng đã chết; hộ gia đình có thành viên là người có công theo quy định pháp luật về người có công.

Thứ hai, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT): hộ gia đình cư trú tại thị trấn thuộc huyện và phường thuộc quận, thị xã trên địa bàn TP chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Thứ ba, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: người lao động (NLĐ) có việc làm đang đóng BHXH bắt buộc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân của NLĐ đang làm việc trên địa bàn TP được Cục thống kê TP công bố từng năm.

Nguồn vốn triển khai cho vay các đối tượng nói trên từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, gồm nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP và nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện.

HĐND TP giao UBND TP chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này, trong đó tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định và công khai, minh bạch, tránh tiêu cực; phân bổ nguồn vốn cho vay đến các địa bàn theo quy định...

Dự kiến Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Kỳ họp thứ 18 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị

Đáng chú ý, trong Tờ trình của UBND TP về nội dung này nêu rõ, với đặc thù mặt bằng giá cả, điều kiện sống, mức sống cao hơn mặt bằng chung của cả nước, các tiêu chí về nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, giảm nghèo, tạo việc làm... của Hà Nội có nhiều đặc thù và cao hơn tiêu chí chung của cả nước. Đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội cũng cần có những đặc thù khác với đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn T.Ư.

Thực tế quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn Hà Nội theo các quy định hiện hành đang cho thấy một số bất cập về đối tượng vay vốn. Cụ thể, nhiều nhóm đối tượng đặc thù của TP dù có hoàn cảnh khó khăn so với mặt bằng chung của TP nhưng hiện chưa thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của một số chương trình tín dụng để phục vụ nhu cầu học tập, đời sống, việc làm do không thuộc đối tượng vay vốn theo quy định của T.Ư.

Nhiều hộ gia đình cư trú tại thị trấn, phường chưa có công trình nước sạch/vệ sinh hoặc đã có nhưng xuống cấp, chưa bảo đảm VSMT, dù kinh tế còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của TP nhưng cũng không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để xây mới/cải tạo do không thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay nước sạch VSMT theo quy định của Chính phủ. Người dân sinh sống tại một số huyện của TP sẽ được lên quận trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 cũng sẽ không được tiếp cận nguồn vốn vay để xây mới/cải tạo công trình nước sạch/vệ sinh khi huyện được công nhận lên quận.

Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại về đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện cho những đối tượng khó khăn trên địa bàn TP được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu học tập, đời sống, việc làm, nâng cao đời sống của Nhân dân Thủ đô, cần thiết xem xét bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH trên địa bàn TP Hà Nội.

Về nguồn kinh phí thực hiện, sau khi đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng theo thứ tự ưu tiên của TP, dự kiến đề xuất UBND TP bố trí ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP để cho vay đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế theo kết quả rà soát hàng năm.

Các chuyên gia, nhà khoa học... nêu ý kiến phản biện đối với nội dung dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội

Các chuyên gia, nhà khoa học... nêu ý kiến phản biện đối với nội dung dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội

Sự quan tâm của chính quyền khi Luật Thủ đô được thực hiện

Tham gia phản biện xã hội với dự thảo Nghị quyết này, một số chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP… cho rằng, để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số người dân rất hoan nghênh và chờ đợi Nghị quyết sớm được ban hành đi vào cuộc sống, sẽ là “món quà” thể hiện sự quan tâm của chính quyền TP khi Luật Thủ đô được thực hiện.

Đáng chú ý, PGS. TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP nhận định, hiện vẫn còn những gia đình neo đơn, gia đình đông con và con đang trong độ tuổi đi học, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, vì vậy, Nghị quyết ban hành và bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay là rất đúng thời điểm, cần thiết và đúng định hướng về an sinh xã hội của TP cũng như đặc thù của Thủ đô trong công tác tạo công ăn việc làm và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo TS Đinh Hạnh - Chủ nhiệm Hội đồng thành viên về kinh tế, với đặc thù thực tế là chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô cao hơn mặt bằng chung cả nước, các tiêu chí về giảm nghèo, tạo việc làm… cũng có yêu cầu cao hơn, nên cần có những đặc thù riêng khác với đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn T.Ư. Đồng thời để tránh tiêu cực, lợi dụng chính sách cho vay ưu đãi đặc thù để trục lợi trong quá trình xét đối tượng được vay, quản lý, xét duyệt mức vay…, cần có quy định chi tiết của cơ quan quản lý và Ngân hàng CSXH của TP, đơn vị cho vay.

“Cơ quan dự thảo Nghị quyết cần phân tích, tính toán thêm tổng số nhu cầu vốn vay của từng nhóm đối tượng vay và tổng số vốn dự kiến cho năm 2025 và các năm từ 2026-2030. Cụ thể là chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nhóm vay vốn cải tạo, xây mới công trình nước sạch, chương trình vệ sinh… và nhu cầu vay vốn hỗ trợ việc làm. Dự kiến và tính đúng tính đủ nhu cầu nguồn vốn từ ngân sách TP và ngân sách huyện phù hợp số lượng, đối tượng được vay, để cân đối nguồn vốn mà ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH TP có thể đáp ứng được”- TS Đinh Hạnh cũng đề nghị.

Theo TS Kinh tế Nguyễn Đình Dương, Tờ trình của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP đã bảo đảm những vấn đề cơ bản về cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn; mặt khác đề cập đến một nội dung hẹp là “Bổ sung đối tượng cho vay đặc thù…” nên những vấn đề đã đưa ra cơ bản phù hợp, rõ ràng. Đại biểu này đề xuất thêm, nên làm rõ thêm tiêu chí hoặc tiêu chuẩn của đối tượng cho vay là hộ gia đình và người lao động ở TP Hà Nội. Riêng Tờ trình nên bổ sung báo cáo sơ kết hoặc thông tin kết quả và hạn chế trong quá trình thực hiện tín dụng CSXH của Ngân hàng CSXH trong 2-3 năm gần đây để tìm ra hướng đi đúng.

Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của TP Hà Nội

Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của TP Hà Nội

Tạo điều kiện dễ tiếp cận chính sách, tránh phát sinh tiêu cực

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhận định, các ý kiến phản biện vào Tờ trình của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP rất xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm; đây chính là gợi ý cho TP triển khai trong giai đoạn tới về nội dung cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hành CSXH của TP, nhất là khi bắt đầu triển khai Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP Hà Nội xác định rõ sẽ tiếp tục chỉ đạo và tập trung các nguồn lực để nâng cao nguồn lực tín dụng CSXH, trong đó mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay. Đặc biệt, UBND TP sẽ quan tâm chỉ đạo thường xuyên rà soát các đối tượng và việc thực hiện cho vay, với quan điểm “tiến độ, công bằng, bền vững, công khai, minh bạch” và phương châm hành động là "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ và hiệu quả thực chất". Đồng thời, TP sẽ cử cán bộ đến tận nơi xem người thụ hưởng được thay đổi những gì từ việc vay vốn tín dụng, để đánh giá hiệu quả của chính sách.

Khẳng định tiếp thu đầy đủ ý kiến phản biện xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, UBND TP sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các nội dung: sự cần thiết ban hành Nghị quyết (khẳng định đúng chức năng, quy trình, thủ tục; sự quyết tâm của MTTQ, các tổ chức CT-XH, cách thức triển khai để Nghị quyết đi vào cuộc sống; khảo sát đánh giá và xác định đây là nhu cầu, mong muốn của người dân). Đồng thời với hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết (về giới…), UBND TP sẽ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện về dữ liệu và số liệu, nhất là đánh giá đối tượng vay để làm gì, có đạt được mục tiêu khi được cho vay không…

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Ngân hàng CSXH TP tiếp thu các ý kiến, chú trọng đưa chuyển đổi số vào việc thực hiện chính sách cho vay này, bảo đảm cho người dân được vay thuận tiện nhất. Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ, TP sẽ công khai minh bạch các cơ chế chính sách thực hiện Nghị quyết, nhất là liên quan quy trình, thủ tục xét duyệt sẽ được công khai toàn bộ, để tạo sự ủng hộ cao của người dân. "TP rất mong nhận được sự giám sát và ý kiến đóng góp của MTTQ, các tổ chức CT-XH và người dân, để tiếp tục hoàn thiện chính sách"- Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương khẳng định thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của HĐND TP bởi tính ưu việt, hợp với lòng dân, phù hợp điều kiện tài chính hiện nay của TP. Việc triển khai Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình số 08-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm chênh lệch giàu - nghèo.

“Toàn bộ ý kiến góp ý sẽ được MTTQ TP tiếp thu, tổng hợp, báo cáo cơ quan chuyên môn. Để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết, TP và các cơ quan liên quan cần có kế hoạch chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát; đặc biệt đúng như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP là phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận chính sách dễ dàng, tránh phát sinh tiêu cực; đồng thời có đánh giá tác động tới các giới, đối tượng thụ hưởng”- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nêu rõ.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-bo-sung-doi-tuong-vay-von-chinh-sach-xa-hoi-phu-hop-dinh-huong-ve-an-sinh.html