Hà Nội bổ sung nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Sáng 25-2, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên...

Đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên...
Các đại biểu HĐND đã quyết nghị thông qua “Báo cáo bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên”, cụ thể như sau: GRDP tăng 8% trở lên, trong đó: Dịch vụ tăng 8,6% trở lên; Công nghiệp tăng 7% trở lên; Xây dựng tăng 8,9% trở lên; Nông nghiệp tăng 3,1% trở lên; Thuế sản phẩm tăng 5,7% trở lên.
GRDP/người đạt 175 triệu đồng; Vốn đầu tư xã hội 622,7 nghìn tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu tăng 7%; Chỉ số CPI dưới 5%.
Nghị quyết cũng nêu bật một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và cải cách thủ tục hành chính; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, nhất quán, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao chất lượng và phát huy tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như: tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế...
Xây dựng kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 như: Hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Thành phố; Tuyến đường Tây Thăng Long từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm và dự án thành phần 1 của Dự án Vành đai 4).
Phấn đầu giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với các dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu; giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công ngân sách cấp huyện.
Xây dựng Kế hoạch đấu giá, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố và tập trung chỉ đạo triển khai để đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công năm 2025; trong đó 5.117 tỷ đồng của các quận, huyện, thị xã giao cao hơn so với Thành phố giao.
Triển khai các giải pháp tài chính (bổ sung nguồn tăng thu thưởng vượt thu, ứng từ Quỹ dự trữ tài chính, ứng kế hoạch năm sau…) để bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công khi các dự án có đủ điều kiện bố trí vốn, có khả năng hấp thụ vốn.
Hà Nội cũng tiếp tục tích cực rà soát, tháo gỡ các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, phấn đấu có ít nhất 50% số dự án khởi động lại. Phấn đấu vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách tăng trên 18%; Phấn đấu vốn FDI đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD...
Kêu gọi đầu tư khu thương mại Outlet; đầu tư xây dựng chợ đầu mối – Yên Thường, Gia Lâm, chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại Mê Linh; xây dựng đảm bảo 50% số xã có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; có thêm ít nhất 01 trung tâm thương mại, 06 siêu thị, 15 chợ trên địa bàn. Tăng số lượng các đợt kích cầu tiêu dùng, các hội chợ so với kế hoạch đã duyệt. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng trên 14%;
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc. Đưa vào khai thác một số tuyến, điểm đến, mô hình du lịch mới. Có thêm 1-2 tour du lịch Golf hoàn chỉnh, chất lượng; Hình thành tổ hợp thể thao kết hợp vui chơi, giải trí, du lịch đêm tại khu vực Trường đua xe, quận Nam Từ Liêm…
Tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn nhân dịp các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch. Phấn đấu thu hút khách du lịch đến Hà Nội đạt 31 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 7,5 triệu lượt (5,3 triệu lượt có lưu trú); công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên 65%;
Tổng thu từ khách du lịch tăng trên 13% (khoảng 125,3 nghìn tỷ đồng); Giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trên 9%; Giá trị gia tăng dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng trên 10,5%.
Đáng chú ý, để mở rộng không gian phát triển, Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị đầu tư hạ tầng để từng bước hình thành thành phố phía Tây (đẩy nhanh tiến độ Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; chuẩn bị đầu tư và khởi công cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát); Thành phố phía Bắc sông Hồng (khởi công Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai); Đẩy nhanh tiến độ Đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Quốc lộ 6; Trục tây Thăng Long...).
Chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực: Trục sông Hồng; Trục Hồ Tây - Cổ Loa; Trục Nhật Tân - Nội Bài; Trục Hồ Tây - Ba Vì; Trục phía Nam.
Tổng kết, nhân rộng các mô hình tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, trí tuệ nhân tạo…);
Đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế đêm thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; có thêm 1-2 khu vực phố đi bộ gắn các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề…