Hà Nội: Cá biệt có nơi né tránh, đùn đẩy công việc, trách nhiệm

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thẳng thắn nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa cao, chưa nghiêm.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 3/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội dành thời gian một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo đó, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các vấn đề xã hội quan tâm, Hội đồng Nhân dân thành phố thống nhất cao lựa chọn 2 nội dung chất vấn bao gồm: Chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố; Chất vấn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Cho ý kiến về nội dung chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, thành phố luôn xác định chủ đề công tác là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển.”

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản để lãnh đạo chỉ đạo và gần đây nhất là Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Hội đồng Nhân dân thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát, tái giám sát nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thành phố.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế, xã hội của thành phố phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo.

Một số việc lớn, việc khó, tồn tại nhiều năm của thành phố được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu đã có những chuyển biến và đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thẳng thắn nêu rõ: Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố và ý kiến, kiến nghị của cử tri cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa cao, chưa nghiêm.

Cá biệt có nơi xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, trách nhiệm, biểu hiện tâm lý “bàn lùi”, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Một số cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ tham mưu, đề xuất không thể hiện quan điểm rõ ràng, nhất quán, thiếu chủ động, trách nhiệm, nhất là trong xử lý, giải quyết những việc khó, phức tạp dẫn tới một số nhiệm vụ đã được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo, giao nhiệm vụ nhưng còn chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo.

Một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn vi phạm, không nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nội quy, quy chế, phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Tại phiên họp, các đại biểu cùng chung quan điểm cho rằng, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước là vấn đề quan trọng, cấp thiết đang được Thường trực, Ban Thường vụ Thành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cần được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chất vấn để rà soát, đánh giá đúng các ưu điểm, tồn tại, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và lộ trình, giải pháp để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

Một số đại biểu đã nêu ý kiến về những vấn đề dư luận quan tâm. Nổi bật như, đại biểu Hoàng Thúy Hằng (Tổ đại biểu Đống Đa) đã nêu câu hỏi cụ thể về việc chậm muộn trong giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ đại biểu Tây Hồ) nêu ý kiến của cử tri quận Tây Hồ về việc chậm bàn giao bàn giao nhà tái định cư Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.

Ngay sau đó, trả lời vấn đề đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ đại biểu Tây Hồ) nêu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội Đồng Phước An cho biết, trong 4 khối nhà của khu tái định cư Xuân La, riêng đối với khối nhà CT2 còn thiếu nhiều thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng.

Thời gian qua, Ban Quản lý đã tập trung giải quyết các thủ tục để bàn giao nhà tái định cư cho người dân.

Theo kế hoạch, trong quý 2/2024 sẽ bàn giao, tuy nhiên còn một số vấn đề phát sinh cần tiếp tục khắc phục, như hệ thống cấp nước, cấp điện theo yêu cầu mới của đơn vị sử dụng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội Đồng Phước An cũng cam kết cam kết trong tháng 7/2024 sẽ hoàn thành việc bàn giao nhà tái định cư, đồng thời kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố đôn đốc chủ đầu tư dự án khẩn trương xây dựng khối nhà CT3, CT4 để bảo đảm đồng bộ hạ tầng trong khu vực.

Trả lời vấn đề đại biểu Hoàng Thúy Hằng (Tổ đại biểu Đống Đa) quan tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, qua giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố, trong 3 năm, Sở còn chậm muộn hơn 16.000 hồ sơ đăng ký kinh doanh trên tổng số hơn 762.000 hồ sơ, tương đương 2,1% tổng số hồ sơ đăng ký kinh doanh. Sở phải giải quyết hơn 1 nghìn hồ sơ/ngày, khối lượng công việc rất lớn.

Làm rõ thêm thông tin, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện toàn trình qua dịch vụ công trực tuyến, trong khi hệ thống có thời điểm xảy ra trục trặc.

Thờ gian tới, Sở sẽ rà soát lại 3 quy chế và quy trình nội bộ; xây dựng các quy trình liên thông với các sở, ngành, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp nói riêng và các thủ tục hành chính khác nói chung.

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chí Lực (Tổ đại biểu quận Ba Đình) liên quan đến vấn đề vẫn còn một số cán bộ phiền hà, sách nhiễu, nhất là sau khi Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành, kết quả xử lý vi phạm cán bộ thế nào?

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, thời gian qua, Sở đã thực hiện một số nội dung kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, công vụ trong đó các nội dung kiểm tra đã triển khai theo luật, nghị định và quy trình nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học không thể dựa vào biểu hiện để kết luận sai phạm của cán bộ.

Trong quá trình kiểm tra công vụ, Sở đã đi sâu vào kiểm tra quy chế làm việc, quy chế phối hợp, chương trình công tác và phân công, phân nhiệm với cán bộ, công chức và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Đặc biệt, đối với những cá nhân, tập thể có biểu hiện, dư luận cho là vi phạm, đoàn kiểm tra công vụ trực tiếp vào kiểm tra hồ sơ, tài liệu để minh chứng việc giải quyết thực thi công vụ của đồng chí đó có đảm bảo yêu cầu hay không.

Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã tiến hành 4.479 cuộc kiểm tra công vụ; trong đó Đoàn kiểm tra công vụ thành phố thực hiện 139 cuộc kiểm tra, các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị hiệp quản thực hiện 4.340 cuộc kiểm tra; xử lý kỷ luật 1.759 trường hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-ca-biet-co-noi-ne-tranh-dun-day-cong-viec-trach-nhiem-post962722.vnp