Hà Nội: Cải cách hành chính được tiến hành vững chắc, đột phá, có trọng tâm, trọng điểm
Ngày 20-10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo 'Cải cách hành chính qua các thời kỳ - Những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải cách hành chính của thành phố Hà Nội hiện nay'. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Đỗ Quý Tiến; Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Quang cảnh hội thảo.
Lựa chọn khâu đột phá trong cải cách hành chính
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định, thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, đặc biệt, tinh thần đó càng được phát huy trong những ngày đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Điểm lại có thể thấy, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) liên tiếp xếp thứ hạng rất cao, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố (trong 3 năm 2017, 2018, 2019); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 và 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012 (thuộc tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất). Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) tiếp tục đạt trên 80%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 30c-NQ/CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đề ra. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, có tỷ lệ dịch vụ công mức 3, mức 4 đạt 97%.
“Hà Nội tập trung đông dân cư nên việc điều hành, xây dựng thành phố thông minh, thành phố sáng tạo đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhất là trong công tác cải cách hành chính. Hội thảo mong thu được các ý kiến đóng góp khách quan, thực tiễn của các đại biểu, để công cuộc cải cách của thành phố phát triển tốt hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đã được tiến hành từng bước, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn các khâu đột phá của từng giai đoạn trong quá trình đổi mới và đã đạt kết quả nổi bật. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố có nhiều đổi mới theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một người, một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành chính có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đặng Vũ Tuấn tham luận tại hội thảo.
Phân tích kết quả để có giải pháp thiết thực
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, từ năm 1992 đến nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã rất chú trọng đến cải cách hành chính vì nhân dân, luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá chiến lược, một trong những chương trình công tác lớn của các nhiệm kỳ đại hội xuyên suốt từ Đại hội XII của Đảng bộ thành phố đến nay.
“Chính quyền đô thị, thành phố thông minh sẽ thành công nếu có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mạnh, một nền hành chính thành thạo quản lý và điều hành, trong sạch, vì dân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ cho hay.
Tiến sĩ Võ Hải Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội dẫn chứng việc triển khai công tác đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ hành chính giai đoạn 2016-2020 đã đạt được một số kết quả quan trọng như tạo ra sự thay đổi nhận thức của các sở, ngành, địa phương theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ; chỉ số về cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện…, đồng thời đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, cần nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa hành chính…
Đề cập những kết quả đạt được cùng những hạn chế của một số chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Đặng Vũ Tuấn cho rằng, đội ngũ làm công tác cải cách hành chính cần tập trung phân tích kỹ số liệu trên cơ sở có định lượng rõ ràng chứ không định tính, từ đó có giải pháp cụ thể cho thời gian tới.
Kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà đề nghị, qua hội thảo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, điều chỉnh cách nhìn và tham mưu, đề xuất công tác cải cách hành chính của đơn vị mình sao cho thực chất. Đồng chí khẳng định, với vai trò là cơ quan thường trực về công tác cải cách hành chính của thành phố, Sở Nội vụ sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết, chất lượng để tham mưu, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.