Hà Nội: Cấm dùng than tổ ong, đốt rơm rạ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí

Tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp, Hà Nội tiến tới cấm sử dụng than tổ ong, đốt rơm rạ, giảm triệt để tình trạng đốt vàng mã, 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi...

Thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp

Mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của thành phố Hà Nội.

Theo đó, phấn đấu 75% - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình, kiểm soát nồng độ PM2.5 trung bình năm đến năm 2030 ở phần lớn các trạm chuẩn trong khu vực nội đô dưới mức 40 µg/Nm3 và dưới mức 35 µg/Nm3 đối với các khu vực ngoại thành.

Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch nêu chỉ tiêu: 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt QCVN; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời thực hiện giảm việc đốt vàng mã.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo một nghiên cứu do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Trong số đó, khoảng 20% bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn% CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Đáng lưu ý, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn trong khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Tại một hội nghị mới đây về "Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam", ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40% . Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô.

Theo ông Đông, thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Thêm vào đó, tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.

Thực hiện ngay các giải pháp

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy vậy, trong khoảng 10 năm gần đây mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông Duy, nhìn vào dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

Chính vì thế đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hy vọng sẽ có những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ đó, chuyển hóa thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một bầu trời xanh, không khí sạch cho các đô thị lớn trên cả nước.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, Hà Nội đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong trao đổi dữ liệu về ô nhiễm không khí và xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh. Đồng thời, đề nghị triển khai Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 và Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch quan trắc và bảo vệ môi trường quốc gia, hướng dẫn các tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng không khí và các kịch bản ứng phó khi có ô nhiễm nghiêm trọng.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Hà Nội mong muốn sớm trình lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện cơ giới, ban hành quy định nhận diện xe sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Đối với Bộ Công an, đề nghị tăng cường kinh phí, trang thiết bị và nhân lực cho việc thu thập, kiểm định khí thải để phục vụ công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về khí thải gây ô nhiễm không khí.

Còn Bộ Xây dựng, đề nghị chỉ đạo các Tổng Công ty thuộc Bộ đầu tư và chuyển đổi sang sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, thay thế các vật liệu nung truyền thống, góp phần giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường không khí.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-cam-dung-than-to-ong-dot-rom-ra-nham-giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-95486.html