Hà Nội cần cơ chế cho nghệ thuật công cộng
Những tác phẩm nghệ thuật công cộng xuống cấp là câu chuyện 'mới mà cũ' ở Hà Nội. Việc thiếu quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng, đi kèm với đó là cơ chế quản lý, bảo vệ vẫn chưa có khiến cho việc duy trì các không gian này gặp nhiều khó khăn.
Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội vốn là nơi khởi sự của nhiều mô hình nghệ thuật công cộng với ý tưởng từ một số cá nhân, tổ chức cùng nguồn kinh phí được xã hội hóa, thay vì chỉ duy nhất một nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước như mô hình tượng đài, tượng chân dung danh nhân, đài tưởng niệm ngoài trời.
Trước tiên, phải kể đến mô hình vườn tượng ngoài trời - sản phẩm của trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhất tại công viên Bách Thảo, năm 1997, do trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức. Lần đầu ở nước ta có một vườn tượng điêu khắc ngoài trời với sự tham gia của khá nhiều nhà điêu khắc danh tiếng, trong đó có nghệ sĩ Điềm Phùng Thị.
Bức tượng Suối của tác giả Hứa Tử Hoài bị vỡ nhiều chỗ, một trong những tác phẩm còn lại của vườn tượng hoang tàn trong công viên Bách Thảo tại Hà Nội.
Nguy cơ “chết yểu”
Vườn tượng Bách Thảo từng mang ý nghĩa giao lưu văn hóa quốc tế quan trọng tại thời điểm nó ra đời. Song, trải qua thời gian, ngoài những tác phẩm được làm bằng đá đen hoặc đá trắng chịu được điều kiện thời tiết ở miền Bắc, những tác phẩm bằng chất liệu sắt đều bị hoen gỉ, hỏng hóc, một số khác bị “can thiệp” bởi những trang trí tiểu cảnh mới trong công viên. Đến nay có lẽ không mấy người Hà Nội còn nhớ, biết đến vườn tượng này dù một số tác phẩm bằng đá vẫn còn ở nguyên vị trí.
Năm 2004, với sáng kiến của nhà điêu khắc Trần Tuy, Hà Nội có thêm một vườn tượng ngoài trời thứ hai, đối diện đền Ngọc Sơn. Sau một lễ khai mạc tưng bừng nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thủ đô, vườn tượng này cũng dần bị bỏ rơi. Cho đến cuối năm 2009, trước dịp Tết Canh Dần và trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, vườn tượng này mới được chỉnh trang chút ít.
Tác phẩm Múa lân của họa sĩ Xuân Lam thuộc dự án nghệ thuật Phúc Tân tái hiện hình dạng những cây tò he cỡ lớn nay đã bị bong tróc, rơi, gãy các chi tiết.
Gần đây, trong nỗ lực đưa Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, một số dự án nghệ thuật công cộng ra đời với sự tham gia đóng góp lớn về mặt kinh phí, ý tưởng, công sức từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Nhưng chỉ sau vài năm tồn tại, những dự án nghệ thuật này lại đứng trước nguy cơ “chết yểu”: Con đường gốm sứ ven sông Hồng là dự án nghệ thuật công cộng được xã hội hóa với tổng kinh phí lớn nhất cho đến thời điểm này, hiện không còn nguyên vẹn. Phần thì hỏng hóc do không được bảo vệ, duy tu thường xuyên; phần bị phá dỡ để phục vụ dự án giao thông. Hay dự án nghệ thuật Phúc Tân với sự tham gia của nhóm nghệ sĩ tình nguyện và đông đảo người dân trong khu vực nhằm biến bức tường hơn 200m thành một “tổ hợp” tác phẩm nghệ thuật liên hoàn, đến nay hầu hết cũng đã hư hỏng.
Những tác phẩm nghệ thuật công cộng không phải là những tác phẩm đóng khung trong bảo tàng hay phòng trưng bày, mà nó hòa chung với hơi thở cộng đồng nên thường chỉ giữ được nguyên vẹn giá trị trong vòng vài năm, sau đó sẽ bị xuống cấp hoặc cần thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Có điều, khi những không gian nghệ thuật tương tự còn quá ít tại thủ đô thì chúng cần được bảo vệ chứ không thể để chết dần, chết mòn.
“Nghệ sĩ không thể cứ mãi tự bỏ tiền túi”
Theo nhận định của giới nghiên cứu, để phát triển nghệ thuật công cộng đòi hỏi sự kết nối “ba bên”: chính quyền - nghệ sĩ và người dân. Chính quyền xây dựng cơ chế, quyết định những không gian thích hợp. Nghệ sĩ bảo đảm lựa chọn tác phẩm đẹp, phù hợp không gian và nhu cầu thẩm mỹ. Người dân thưởng thức, có ý thức bảo vệ, giữ gìn không gian chung.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (nghệ sĩ thị giác; giảng viên Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) giám tuyển dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, nhận định: Yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của chính quyền. Nghệ sĩ không thể suốt ngày loanh quanh với tác phẩm như đi trông con. Với nghệ thuật công cộng, ngoài kinh phí thực hiện tác phẩm thì chi phí duy tu bảo dưỡng định kỳ cũng không nhỏ, trong khi nghệ sĩ không thể cứ mãi tự bỏ tiền túi.
Tác phẩm Thuyền của tác giả Vũ Xuân Đông thuộc dự án nghệ thuật Phúc Tân được sắp đặt từ vỏ chai nhựa nay đã bị rơi rụng nhiều phần, vỏ các chai nhựa bị bám bụi, rêu mốc.
Nhiều quốc gia đã có chính sách riêng để phát huy tài năng cũng như đóng góp của các nghệ sĩ đối với không gian công cộng. Tại Mỹ, các thành phố New York, Los Angeles và Buffalo đã thiết lập chương trình “Percent for Act” (tạm dịch là “Phần trăm cho hành động”), trong đó trích một phần ngân sách để tài trợ và lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Nhờ “Percent for Act”, từ năm 1983 tới nay, New York đã có hơn 300 tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt tại các trường học, tòa án và nhiều không gian khác. Hay tại thành phố Denver của bang Colorado, các chủ đầu tư khi lên kế hoạch phát triển một khu vực đô thị nhất định phải dành ít nhất 1% ngân sách cho nghệ thuật công cộng. Từ một khu vực đô thị đông đúc, chật chội, trung tâm thành phố Denver đã trở nên hấp dẫn hơn nhờ sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật.
Còn ở Việt Nam, theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, đến nay hầu như không hề có một chính sách chính thống nào của Nhà nước về việc quan tâm hay thực hiện những dự án nghệ thuật công cộng. Có thể nói sự nhận thức ở mức độ cao nhất của chính quyền về chiến lược sử dụng các dự án nghệ thuật công cộng, các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời để nâng cao vị thế, nâng cao sức thu hút của địa phương là chưa rõ ràng. Chính vì thế không thu hút được sự đóng góp từ các nghệ sĩ và các tổ chức chuyên nghiệp. Chưa kể ý thức tiếp cận nghệ thuật nói chung và nghệ thuật công cộng nói riêng của công chúng còn khá thấp do hậu quả của sự thiếu hụt giáo dục nghệ thuật kéo dài nhiều thập kỷ.
Tránh lãng phí tiềm năng du lịch
Bằng sự hiện diện của mình, nghệ thuật công cộng là bản thông điệp về lịch sử, văn hóa, phong cách sống, ước mơ hay là xu hướng chính trị mà qua đó xác định bản sắc và ký ức của một cộng đồng. Vì thế nghệ thuật công cộng chính là thước đo sự trưởng thành của một thành phố. Việc tạo ra điểm nhấn đô thị bằng những công trình nghệ thuật công cộng, có quy mô phù hợp sẽ góp phần tạo nên một Hà Nội khác biệt so với những đô thị khác.
Song song với giá trị tinh thần thì lợi ích lớn nhất của nghệ thuật công cộng chính là tạo nên động lực phát triển kinh tế cho một khu vực. Trên thế giới, những đường phố có các tác phẩm nghệ thuật công cộng nổi tiếng đều nhộn nhịp và thu hút các nhãn hàng kinh doanh lớn. Khách du lịch cũng bị hấp dẫn bởi các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tác phẩm Waterfall của New York với tiền đầu tư hơn 15,5 triệu USD đã mang lại cho thành phố 69 triệu USD chỉ sau 4 tháng ra mắt. Còn chú gấu xanh ở Denver đã trở thành địa điểm chụp ảnh nổi tiếng. Thành phố còn thu bộn tiền từ việc bán các sản phẩm lưu niệm với hình ảnh chú gấu này. Chính bởi nguồn thu tài chính khổng lồ từ du lịch, đời sống người dân khu vực quanh các tác phẩm nghệ thuật cũng được cải thiện đáng kể.
Tác phẩm Chú gấu xanh khổng lồ thu hút khách du lịch tại thành phố Denver, Mỹ. Ảnh: TL
Hà Nội cũng cần cú hích để xây dựng một chiến lược đồng bộ cho việc thúc đẩy các không gian văn hóa sáng tạo mà ở đó nghệ thuật công cộng giữ vai trò kết nối. Các không gian, dự án nghệ thuật công cộng và các không gian sáng tạo trong thành phố sẽ trở thành chuỗi liên kết giá trị thu hút du khách và những cá nhân, tổ chức sáng tạo, tạo nên hiệu quả phát triển văn hóa, giáo dục và là một hướng mới trong gia tăng phát triển kinh tế. Trong đó, cần kết nối các dự án nghệ thuật công cộng và những không gian nghệ thuật đương đại mới thành một bản đồ khám phá nghệ thuật trong thành phố, tạo sản phẩm du lịch khám phá văn hóa cho du khách. Điều này còn giúp nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân; nâng cao nhận thức về giá trị cảnh quan, giá trị nghệ thuật đối với mỗi không gian trong thành phố.
Khi Hà Nội đã chính thức ghi tên mình trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế, điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của các sáng tạo mang tính cộng đồng, đặc biệt là nghệ thuật công cộng trong sự phát triển của thành phố cũng như đặt ra những đòi hỏi về việc tạo điều kiện cho nghệ thuật này phát triển xứng tầm.
Bài và ảnh: Thạch Thảo
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ha-noi-can-co-che-cho-nghe-thuat-cong-cong-41936.html