Hà Nội: Cần gì để phân làn hai tuyến đường huyết mạch?
Hơn một tuần qua, Hà Nội đã lắp đặt dải phân cách cứng để tách riêng làn ô tô và xe máy trên đường Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công nhằm giảm ùn tắc và đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả, còn nhiều việc phải làm.
Bớt ùn tắc, lưu thông an toàn hơn
Là người thường xuyên phải di chuyển từ nhà đến cơ quan và ngược lại trên tuyến đường Võ Chí Công bằng xe máy, chị Nguyễn Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) đã có cảm giác an toàn hơn từ khi xe máy bắt buộc phải đi ở làn trong cùng, không còn chạy hỗn hợp với xe ô tô như trước.
"Vì các xe không đi lẫn lộn vào làn nhau nên không còn lo va chạm với ô tô", chị Phương nói.

Sau khi lắp đặt dải phân cách cứng, vào giờ cao điểm, giao thông trên đường Phạm Văn Đồng không xảy ra ùn tắc (chụp lúc 18h ngày 26/6).
Từ giữa tháng 6, Hà Nội lắp đặt hàng rào cứng để phân chia ô tô và xe máy di chuyển riêng trên hai tuyến đường Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng.
Ghi nhận của PV vào khung giờ cao điểm lúc 18h00 ngày 26/6 trên các tuyến đường này cho thấy, việc phân làn đã bước đầu giúp ô tô và xe máy di chuyển theo đúng phần đường quy định, không xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ.
Dải phân cách cứng được lắp đặt liên tục theo chiều dài tuyến, kết hợp cùng hệ thống biển báo, vạch kẻ đường mới. Cả hai tuyến đều được lắp đặt hệ thống camera trên giá long môn nhằm ghi hình, giám sát phương tiện và xử phạt vi phạm.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, đường Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công đang được hoàn thiện công tác lắp dải phân cách cứng để phục vụ thí điểm phân làn ô tô - xe máy, dự kiến triển khai từ ngày 4/7.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Theo ông Bảo, đường Võ Chí Công được phân tách thành 3 làn ô tô, 2 làn hỗn hợp. Còn trên đường Phạm Văn Đồng tách thành 2 làn ô tô, 3 - 4 làn hỗn hợp.

Dải phân cách cứng được lặp đặt trên đường Võ Chí Công.
Các phương án này được đưa ra dựa trên phân tích, đánh giá số lượng phương tiện trên tuyến, cũng như chạy thử trên phần mềm chuyên về giao thông của Sở Xây dựng.
Để thuyết phục được người dân, cơ quan quản lý cần sớm có các tiêu chí cụ thể, đánh giá mục tiêu của phương án, sẽ giảm được bao nhiêu vụ TNGT, số người chết, số người bị thương…
TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
"Rút kinh nghiệm từ những lần phân làn trước đây, ví dụ như tuyến Nguyễn Trãi, đợt này chúng tôi có phương án tiếp cận khác. Việc chọn tuyến để triển khai đều là các tuyến có lưu lượng và điều kiện thuận lợi, phù hợp với tách làn. Các tuyến Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công có ít đường nhánh đấu nối hơn", ông Bảo cho hay.
Theo đánh giá của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất an toàn và ùn tắc là do phương tiện di chuyển lộn xộn, không theo làn đường quy định. Việc phân làn sẽ giúp tách dòng phương tiện, giảm xung đột tại các điểm giao cắt, nâng cao hiệu quả lưu thông.
Dù vậy, ghi nhận của PV, đoạn nút giao giữa đường Võ Chí Công với lối vào khu đô thị Ciputra vẫn xảy ra xung đột giao thông giữa các phương tiện trong quá trình tách/nhập làn. Cụ thể, các phương tiện di chuyển từ khu đô thị Ciputra nhập vào đường Võ Chí Công với ý định rẽ trái vào đường Nguyễn Hoàng Tôn hoặc quay đầu về cầu Nhật Tân sẽ xung đột với dòng phương tiện di chuyển ở làn hỗn hợp.
Anh Nguyễn Tuấn (sinh sống trong khu đô thị Ciputra) cho rằng: "Cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ để tránh gây xung đột. Việc nhập làn qua đây khó khăn do khi xe qua được làn hỗn hợp thì 3 làn dành cho ô tô lại ùn ứ, nên chúng tôi mất nhiều thời gian hơn để nhập làn".
Tại ngã tư Tân Xuân - Phạm Văn Đồng đến ngã ngã ba Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, khá nhiều mô tô, xe gắn máy vẫn đi vào làn đường dành cho ô tô. Một số người do chưa quen đường, khi gặp hàng rào phân cách bị giật mình, đi chậm lại, khiến giao thông có thời điểm bị ùn tắc.
Sẽ đánh giá tổng thể để nhân rộng
Khẳng định đây là giải pháp cần thiết giúp giao thông an toàn hơn, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, kinh nghiệm từ những lần phân làn trước đây, cơ quan quản lý cần nhanh chóng nhận diện và đưa ra những giải pháp kỹ thuật, chẳng hạn như sơn phản quang, gờ giảm tốc, sơn kẻ dẫn hướng.
"Khi có những cảnh báo rõ ràng cho người tham gia giao thông, chắc chắn sẽ giúp giảm những tình huống đáng tiếc", ông Minh nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy cũng cho rằng, cần giải quyết được thực tế nhiều tuyến đường có vạch sơn phân làn riêng cho xe hai bánh nhưng nhiều người vẫn chạy sang làn ô tô mỗi khi ùn tắc. Ngược lại, tài xế ô tô cũng chạy vào làn xe máy để né tắc đường, dẫn đến giao thông lộn xộn, mất trật tự.
"Việc đặt dải phân cách cứng phải theo nguyên tắc: đủ chiều dài khoảng trống dải phân cách để cho số xe chuyển làn quay đầu, hoặc rẽ trái tại những vị trí không có đèn tín hiệu giao thông", bà Thủy góp ý.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết thêm, Ban Duy tu vẫn đang theo dõi tình hình giao thông trên tuyến ở các khung giờ, đồng thời phối hợp với Công an Hà Nội để điều tiết giao thông trong thời gian thi công lắp đặt dải phân cách.
"Việc phân làn là giải pháp cần thiết để đảm bảo an toàn. Đây sẽ là tiền đề để thành phố tiếp tục lắp đặt dải phân cách cứng nhiều tuyến đường phù hợp khác", ông Bảo cho hay.