Hà Nội cần gương mẫu, đi đầu về thực hiện quy định dạy thêm, học thêm
Kiểm tra việc triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành GD-ĐT Hà Nội cần gương mẫu, đi đầu.

Quang cảnh buổi làm việc của Bộ GD-ĐT với Sở GD-ĐT Hà Nội. Ảnh: DM
Ngày 24-2, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn, đã kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm tại Hà Nội.
Đoàn kiểm tra đã khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện quy định mới về dạy thêm, học thêm tại Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh và Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Không tổ chức học thêm ở trường dạy 2 buổi/ngày
Bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh (Quận Ba Đình) cho biết: Nhà trường có hơn 1.800 học sinh, 99 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Nhà trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh, vì vậy nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT làm việc tại Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình). Ảnh: DM
Kết quả kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường cho thấy, không có giáo viên vi phạm quy định; không có việc đối xử không công bằng đối với học sinh; không có tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm.
Tại Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái, theo báo cáo của Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn, trước khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ban hành, nhà trường không tổ chức dạy, học thêm có thu phí trong nhà trường. Việc tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém được thực hiện thường xuyên và hoàn toàn miễn phí.
Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, có một số giáo viên, chủ yếu các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh dạy nhóm nhỏ theo đề nghị của phụ huynh học sinh hoặc phụ huynh đứng ra tổ chức mời giáo viên dạy kèm, học phí thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và giáo viên.
Khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực, các lớp phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được thực hiện miễn phí theo kế hoạch năm học. Hiện có 5 giáo viên ngữ văn của nhà trường đang làm hồ sơ đăng ký tham gia dạy thêm tại trung tâm bồi dưỡng kiến thức.
Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, với việc triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, việc quản lý dạy thêm dễ kiểm soát hơn, là cơ sở để nhà giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm với học sinh; giáo viên cũng có nhiều thời gian tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh của hai trường cũng đề cập tới những vướng mắc về kinh phí hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh; khó khăn trong kiểm tra, giám sát dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; khó khăn trong việc thay đổi thói quen tự học của học sinh và khó khăn trong quản lý thời gian ở nhà của học sinh…
Duy trì tốt việc ôn tập cho học sinh cuối cấp
Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các đơn vị trường học cho biết: Toàn thành phố có 100% trường tiểu học và 67% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đang tổ chức học 2 buổi/ngày. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để toàn ngành thực hiện nghiêm túc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Các trường học duy trì tốt việc ôn tập cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Thống Nhất
Đặc biệt, tại thời điểm chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, bằng việc khuyến khích giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm và tận dụng các nguồn lực, các trường học trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm duy trì tốt việc ôn tập cho học sinh cuối cấp.
Ý kiến của đại diện các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường đều khẳng định tinh thần nghiêm túc trong việc triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã giúp các đơn vị quản lý giáo dục có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định. Việc triển khai Thông tư cũng là cơ hội để các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa; giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh…
Để triển khai hiệu quả Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về dạy thêm, học thêm; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã và 16 cụm trường trung học phổ thông, mỗi nơi từ 2 đến 3 đơn vị trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh.
Thực hiện tốt “5 không” và “4 đề cao”
Trực tiếp kiểm tra tại các nhà trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, quyết liệt của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: DM
Nhấn mạnh quan điểm về việc thực hiện nghiêm túc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT để hướng tới không còn dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có nhiều chia sẻ với mong muốn cán bộ, giáo viên nhìn nhận đầy đủ hệ lụy, tác hại của việc dạy thêm, học thêm.
Để chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả sớm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quán triệt quan điểm “5 không” và thực hiện tốt “4 đề cao”. Trong đó, “5 không” là không “đánh trống bỏ dùi”, không thỏa hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm; “4 đề cao” là đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò trách nhiệm giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh nâng cao nhận thức để cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân hiểu rõ về ý nghĩa và quy định của Thông tư; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, tiến tới các trường học đều có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tập trung nâng cao chất lượng giờ học chính khóa…