Hà Nội cần quan tâm đến hạ tầng giao thông
Đây là thông tin được các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo 'Phát triển giao thông công cộng Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản' do tổ chức JICA phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần quan tâm đến hạ tầng giao thông nếu không xe buýt sẽ bị thất thế…
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau 20 năm phát triển đến nay xe buýt Thủ đô đang đóng vai trò chủ công trong phát triển vận tải công cộng.
Tuy có thêm một số loại hình mới nhưng các năm tới xe buýt vẫn được xác định là chủ công. Vì thế trong kế hoạch phát triển vận tải công cộng đến năm 2020 thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xe buýt sẽ đạt 20% nhu cầu.
Tuy nhiên ông Hải cũng đưa ra thực tế, sau một thời gian phát triển mạnh mẽ và đạt đến 12% nhu cầu, đến nay do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, tốc độ tăng sản lượng đang bị chậm lại. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ông Hải nhấn mạnh, cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt cũng phải phân vùng để phát triển, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Cùng với đó là chú trọng công tác đâu tư hạ tầng.
Về phía Nhật Bản, các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành đã chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp xây dựng hạ tầng giúp thúc đẩy việc sử dụng phương tiện và cải thiện chất lượng của giao thông công cộng như: Thiết kế, cách bố trí đầu mối trung chuyển giao thông, các làn đường ưu tiên, tiện ích phụ trợ…
Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đều khẳng định, việc phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn khác trên thế giới là quá trình tất yếu. Với nhiều điểm chung, Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Hà Nội về kinh nghiệm để phát triển tốt loại hình này.
Chỉ ra những điểm cần chú ý trong xây dựng hạ tầng, ông Takashi Kobayashi - Cục Chính sách tổng hợp, Bộ Đất đai - Hạ tầng - Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho rằng, có hai vấn đề quan trọng nhất để thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng.
Thứ nhất là điểm trung chuyển giao thông, đây sẽ là trung tâm kết nối các phương tiện giao thông công cộng với nhau. Và các điểm này phải nằm trong quy hoạch tổng thể của thành phố. Thứ hai là nâng cao những tiện ích cho người tham gia giao thông, những công trình phụ trợ, nâng cao chất lượng của dịch vụ giao thông công cộng.
Chia sẻ kinh nghiệm trên cơ sở là đơn vị doanh nghiệp có số lượng xe buýt hoạt động lớn nhất Nhật Bản, ông Jun Matsumoto – Tổng giám đốc Công ty CP Michinori Holdings cho biết, việc làm đầu tiên để phát triển vận tải công cộng là chính quyền thành phố đưa ra các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh vận tải buýt.
Trong đó, quy trình tái cơ cấu mạng lưới giao thông công cộng được đặt lên vị trí hàng đầu. Để thực hiện việc này, các doanh nghiệp vận tải chủ động tham gia vào quá trình tái cơ cấu mạng lưới. Nhờ vậy đến nay, chỉ tính riêng tại thành phố Tokyo thị phần giao thông công cộng đã đáp ứng được 47% nhu cầu đi lại của người dân, con số này với Hà Nội hiện nay là 12,5%.
Theo tìm hiểu, tại Hà Nội hiện mạng lưới xe buýt thành phố bao gồm 123 tuyến, bao phủ 100% các quận huyện, 98% các bệnh viên, 100% các trường học, 16% các khu công nghiệp, 90% khu dân cư. Toàn mạng lưới có 1.915 xe buýt, được đổi mới về chất lượng. Năng lực vận chuyển khoảng 1,2 triệu lượt khách/ngày. Giá vé hiện được bán phổ biến 7.000-9.000 đồng/lượt.
Thực tế cho thấy, khi giá vé hiện được đánh giá không còn là yếu tố để xe buýt cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác thì tính ổn định, hấp dẫn của xe buýt đối với người dân ngày một giảm dần.
Để “vực dậy” xe buýt, các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, thành phố cần có những chính sách cụ thể, thiết thực cho vận tải khách công cộng và đặc biệt, những chính sách ấy phải chuyển thể vào thực tiễn. Bởi, giá vé của xe buýt hiện không còn là lợi thế để hút khách, mà là tính đúng giờ được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, tốc độ trung bình của xe buýt ở nội đô chỉ đạt 14-15km/h, không đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận lớn người dân. Thêm vào đó, các mốc thời gian cố định cũng bị xáo trộn do việc tổ chức, sắp xếp lại giao thông; rồi hệ thống nhà chờ chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân...
Mục tiêu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra đối với vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội là vào năm 2020, đảm nhận khoảng 15% và đến 2025 là 20% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô, để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân trên một số tuyến phố, giảm ùn tắc giao thông, cải thiện ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, đến nay vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn hoàn toàn dựa vào xe buýt mà chưa có thêm loại hình mới nào. Đường sắt đô thị mới đang xây dựng được 2 tuyến là Cát Linh- Hà Đông và Nhổn- Ga Hà Nội.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-can-quan-tam-den-ha-tang-giao-thong-93675.html