Hà Nội cần xây dựng lộ trình hạn chế xe máy

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nội xây dựng lộ trình giảm dần xe máy trong nội đô, thu phí ô tô vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm để hạn chế số lượng xe cá nhân.

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp dù đã có nhiều giải pháp. Trước thực trạng trên, trong cuộc họp gần đây giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với thành phố Hà Nội, một trong những chủ đề nổi bật là việc Hà Nội cần sớm xây dựng lộ trình giảm dần số lượng xe máy trong nội đô và áp dụng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm. Những biện pháp này được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về trật tự an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường không khí.

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 56% - 65% ô nhiễm môi trường không khí xuất phát từ hoạt động giao thông vận tải. Tại Hà Nội, thống kê hiện có 1,2 triệu ô tô và gần 8 triệu xe máy, 70% số xe sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn. Chính vì thế, việc thực hiện mô hình thành phố an toàn giao thông giúp tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và giảm ùn tắc giao thông là cấp thiết hiện nay.

Ông Lưu Đức Thắng – Phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Ô nhiễm môi trường chủ yếu không khí bụi bặm, xe máy xăng dầu, nhất là xe máy số lượng rất lớn. Giảm thiểu phương tiện cá nhân làm tốt về giao thông, môi trường trong lành hơn cho nhân dân Thủ đô”.

Văn phòng Chính phủ cũng vừa ban hành Thông báo số 143 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với thành phố Hà Nội về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, Hà Nội cần xây dựng lộ trình giảm dần xe máy trong nội đô, thu phí ô tô vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm để hạn chế số lượng xe cá nhân trên một số tuyến đường trong thời gian tới.

Tuy nhiên trên thực tế, xe máy không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là phương tiện mưu sinh của rất nhiều người. Chính vì vậy, việc đề xuất hạn chế xe máy vào nội đô khiến người mừng, người lo.

Ông Phạm Văn Chính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm nghề xe ôm gần chục năm nay, từ ngày về hưu ông dành dụm, chắt bóp được gần chục triệu đồng mua chiếc xe máy xăng loại cũ. Mỗi ngày cũng được vài chuyến, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Cuộc sống của vợ chồng già chủ yếu nhờ nguồn thu nhập này. Khi biết tin hạn chế xe máy vào các quận nội thành, ông cũng không khỏi tâm tư.

“Tôi thấy cấm toàn bộ xe máy là ảnh hưởng lớn không chỉ mình tôi mà còn nhiều người, thí dụ xe tôi chạy xăng thì Nhà nước hỗ trợ thêm thắt, được chút nào hay chút đấy, chứ cấm hẳn thì cũng chịu thôi”, ông Chính cho hay.

Song song với hạn chế phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Hà Nội cũng đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, tăng cường mở thêm các tuyến xe buýt điện, tuyến đường sắt đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân sử dụng. Trong đầu năm 2025, bốn đơn vị vận tải đã triển khai đầu tư và vận hành thí điểm bốn tuyến xe buýt điện với số lượng gần 100 xe, tích hợp hệ thống thẻ vé điện tử, khách hàng có thể mua vé, gia hạn vé online thông qua chiếc điện thoại thông minh.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Phòng Kế hoạch vận hành - Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội cho biết: “Sau một tháng thí điểm thì người dân đón nhận, riêng tháng 2 thì sản lượng hành khách tăng 38%, doanh thu tăng 42,7%. Trong năm 2025 sẽ tiếp tục đưa 17 tuyến đưa vào hoạt động nâng tổng số xe lên 209 xe”.

Thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông trong nội đô là việc làm cần thiết. Để làm được điều này đòi hỏi một lộ trình phù hợp gắn liền với những giải pháp đồng bộ và nhân văn bởi 10 triệu phương tiện ở Hà Nội không thể giải quyết một sớm một chiều.

Đức Chung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ha-noi-can-xay-dung-lo-trinh-han-che-xe-may-319317.htm