Hà Nội: Cảnh báo, ngăn chặn hiện tượng lừa đảo 'con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp'

Ngày 15-3, Công an thành phố Hà Nội thông tin, đến thời điểm hiện tại, nạn nhân của những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh qua điện thoại lên đến hàng nghìn người, với số tiền nhiều tỷ đồng. Riêng thủ đoạn giả mạo giáo viên, nhà trường và người thân để thông báo cho phụ huynh 'con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp', dù mới xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, song đã có các nạn nhân bị 'mắc bẫy'.

Hiện tại, Công an các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tích cực vào cuộc cùng chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục tuyên truyền để người dân phòng tránh.

Như đã đưa tin, ngày 14-3, Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết tiếp nhận đơn trình báo của anh L.X.D (sinh năm 1980; ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) về chiêu lừa đảo giả danh giáo viên, gọi điện cho phụ huynh thông báo con gặp nạn đang đi cấp cứu, phải chuyển tiền gấp để làm thủ tục nhập viện vừa xuất hiện. Anh L.X.D sau 2 lần bị các đối tượng từ số thuê bao 0774105315 gọi điện xưng là cô chủ nhiệm của con gái anh (đang là sinh viên năm thứ hai đại học) nói cháu bị ngã từ tầng 3 xuống trong tình trạng nghiêm trọng, anh đã tin tưởng chuyển khoản 40 triệu đồng như hướng dẫn của các đối tượng.

Số điện thoại đối tượng giả mạo lừa chuyển 40 triệu đồng của một phụ huynh.

Số điện thoại đối tượng giả mạo lừa chuyển 40 triệu đồng của một phụ huynh.

Ngày 15-3, Công an quận Nam Từ Liêm thông tin, tiếp tục nhận được trình báo của một nạn nhân là phụ huynh bị mắc lừa với thủ đoạn "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” với số tiền bị lừa lên đến 200 triệu đồng. Cùng ngày, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng đã tiếp nhận trình báo của một nạn nhân bị lừa tương tự. Vụ việc đang được Công an quận Tây Hồ phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố điều tra làm rõ.

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ, ngay khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã triển khai nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống loại tội phạm mới xuất hiện này tới công an các phường. Công an các phường được giao nhiệm vụ chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp cùng các trường học đứng trên địa bàn quản lý để tuyên truyền tới phụ huynh, thường xuyên trao đổi tình hình con em để không bị tội phạm lợi dụng “thao túng tâm lý”.

Các trường trên địa bàn quận Ba Đình đã thông báo tới phụ huynh thủ đoạn lừa đảo mới.

Các trường trên địa bàn quận Ba Đình đã thông báo tới phụ huynh thủ đoạn lừa đảo mới.

Chị Tô Thị Dung, ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đã kịp thời nhận được cảnh báo từ 3 trường đại học và trung học phổ thông nơi 3 con đang theo học về hiện tượng lừa đảo trên. “Với vai trò trong ban phụ huynh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, tôi đã nhanh chóng lan truyền tin nhắn để cộng đồng biết và chung tay cùng lực lượng chức năng phá án”, chị Dung nói.

Tượng tự, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, lực lượng công an đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời thủ đoạn phạm tội mới này. Trung tá Lê Anh Trung, Trưởng Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đã họp khẩn với UBND phường để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền cho công dân và phụ huynh trên địa bàn về phương thức hoạt động, lật tẩy quá trình “thao túng tâm lý” của tội phạm để mọi nhà biết và phòng tránh.

Tin nhắn cảnh báo của UBND phường Định Công gửi tới cộng đồng dân cư qua ứng dụng mạng xã hội.

Tin nhắn cảnh báo của UBND phường Định Công gửi tới cộng đồng dân cư qua ứng dụng mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết thêm, đã chuẩn bị bài tuyên truyền do lực lượng Công an cung cấp về hành vi phạm tội của các đối tượng để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh mỗi ngày. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn cũng được các tổ công tác của UBND và công an tới trợ giúp các biện pháp ngăn chặn, không để tội phạm lộng hành.

Còn tại thành phố Đà Nẵng, ngày 15-3, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thông tin tới phụ huynh học sinh về việc cần cảnh giác trước chiêu lừa đảo này.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, trong ngày 14-3, một số phụ huynh đã nhận được điện thoại báo con em mình bị ngã cầu thang tại trường học, bị chấn thương sọ não và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu phụ huynh học sinh phải chuyển ngay 50 triệu đồng để điều trị cho cháu. Rất may, phụ huynh cảnh giác, nên đã liên hệ nhà trường kiểm tra và biết đó là tin báo lừa đảo.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết: "Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục nhắc nhở các trường giữ liên lạc với phụ huynh, để kịp thời cung cấp thông tin xác thực, tránh bị bọn lừa đảo lợi dụng chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, từ đầu tháng 3-2023, chiêu lừa tương tự đã được bọn tội phạm thực hiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều phụ huynh đã bị lừa hàng trăm triệu đồng vì vội vàng chuyển tiền ngay sau khi nghe tin con em mình bị "tai nạn, đang cấp cứu".

Ngay sau đó, các ngành Công an, Y tế và Giáo dục đã công bố các số điện thoại đường dây nóng để người dân gọi điện kiểm tra thông tin. Các trường học và bệnh viện cũng sẵn sàng giải đáp thông tin mà phụ huynh gọi hỏi về tình trạng sức khỏe con em mình. Các báo và mạng xã hội tăng cường thông tin cảnh báo để người dân cảnh giác. Nhờ vậy, từ ngày 10-3 đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh không còn tình trạng lừa đảo tương tự.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư Hà Nội, hành vi “thao túng tâm lý” để thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại mạo danh đang được xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Điều luật chỉ rõ, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Cơ quan công an kịp thời vào cuộc ngăn chặn tội phạm mới.

Cơ quan công an kịp thời vào cuộc ngăn chặn tội phạm mới.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, để nhận diện và cảnh báo đối tượng lừa đảo, cơ quan công an, ngành Giáo dục các địa phương đã khuyến cáo, chiêu lừa này hình thành tâm lý hoảng loạn, sợ hãi trong thời gian ngắn, khiến phụ huynh bất an, lo lắng, đặc biệt là khi chưa thu nhận đủ thông tin. Thêm vào đó, các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, kích động cảm xúc (bị thương rất nặng, đang nguy kịch, không cấp cứu gấp sẽ tử vong…) để thao túng tâm lý nạn nhân. Để tránh rủi ro, khi nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến con em mình, phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc với người trực tiếp dạy học, chăm sóc hay ở gần khoảng cách với con em mình nhằm kiểm tra thông tin.

Bên cạnh đó, cần để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô khác biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm. Cảnh giác với việc đối tượng "thuộc lòng" về trường học của con, lớp học của con, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng nhưng lại không thể cung cấp thông tin cá nhân mình một cách rõ ràng, nơi làm việc cụ thể... để tránh bị lừa và làm theo yêu cầu của các đối tượng.

Tất cả những thông tin cảnh báo, những dấu hiệu nhận biết thủ đoạn phạm tội mới đều được lan truyền trong cộng đồng để người dân tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng phòng, chống và lật tẩy mọi thủ đoạn phạm tội.

Bà Trần Thị Thơm, Phòng Hành chính - Kế toán (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, trong trường hợp có người nhà đi cùng, tại khoa Cấp cứu, điều dưỡng sẽ in giấy tạm ứng ký quỹ và hướng dẫn người nhà đến phòng kế toán (điểm thu viện phí) để nộp tiền. Còn nếu bệnh nhân được đưa vào cấp cứu mà không có người nhà đi cùng thì việc cấp cứu cho bệnh nhân vẫn sẽ được ưu tiên trước nhất. Các bệnh viện hiện đều có tài khoản riêng. Khi người dân nộp viện phí bằng hình thức chuyển khoản, sau khi nhập số tài khoản và ngân hàng thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng sẽ hiện lên (Ví dụ: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…). Như vậy, chứng minh được số tiền chuyển đi sẽ vào tài khoản của bệnh viện.

Thu Trang

Chu Dũng - Ngọc Anh - Thanh Trúc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1058299/ha-noi-canh-bao-ngan-chan-hien-tuong-lua-dao-con-dang-cap-cuu-chuyen-tien-gap