Hà Nội: Cảnh báo nguy cơ cháy nổ ngày Tết
Dịp Tết, người dân Thủ đô thường dự trữ nhiều hàng hóa; có thói quen, tục lệ thắp hương, thực hiện các nghi thức tâm linh, đốt vàng mã khiến nguy cơ cháy nổ rất cao. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa hỏa hoạn để Tết đến Xuân về trong an vui, an toàn.
Bất cẩn trong sinh hoạt gây cháy nổ
Trong những ngày gần đây, tại Thủ đô đã xảy ra 2 vụ cháy nhà dân tại các khu phố cũ, phố cổ. Vào khoảng 15 giờ ngày 20/1, người dân trong khu vực phát hiện ngọn lửa cùng khói đen mù mịt tỏa ra từ ngôi nhà 4 tầng ở số 41 Đường Thành (mặt nhà phố Yên Thái), phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Nhận được tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm đã điều động Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn cùng 2 xe chữa cháy, 1 xe téc đến hiện trường dập lửa.
Đám cháy được khống chế kịp thời, không lan sang nhà liền kề cũng như các tầng bên dưới. Khu vực cháy có diện tích khoảng 9 m2 tại tầng tum của ngôi nhà.
Trước đó, khoảng gần 2 giờ ngày 18/1, tại nhà dân số 103 đường ngang 1 tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng xảy ra cháy.
Hiện trường vụ cháy là một căn nhà khoảng 30m2. Do nằm ở vị trí đường ngang nên xe chữa cháy của Công an quận Hai Bà Trưng khá khó khăn trong việc tiếp cận. Cùng với việc dập tắt đám cháy, lực lượng công an đã gọi loa, hướng dẫn nhân dân trong căn nhà trên tiếp đất an toàn.
Hai vụ cháy trên không gây ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, cũng khiến cơ quan chức năng lo lắng về nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư, đặc biệt là trong dịp Tết. Vì hiện nay, tại Hà Nội phần lớn người dân đều sinh hoạt trong các nhà dạng “ống” khu phố cũ, phố cổ hoặc tại các chung cư nên nguy cơ cháy nổ rất cao. Ghi nhận sáng 30 tháng Chạp, tại nhiều nhà dân ở Hà Nội vẫn đốt nhiều vàng mã sau khi cúng tất niên.
Theo phân tích của Công an thành phố Hà Nội, tại các chung cư thường được lắp đặt: Trạm biến áp, máy phát điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống gas trung tâm… Do đó chỉ cần một trong những hệ thống kỹ thuật gặp sự cố hoặc sử dụng không đúng quy trình cũng có thể gây mất an toàn về phòng cháy chữa cháy. Còn tại các khu nhà ở thuộc 4 quận lõi cơ bản đều nhỏ hẹp, có chứa nhiều đồ dễ cháy, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy thời gian qua tại các hộ dân đều xuất phát từ việc bất cẩn do sử dụng khí đốt và điện dẫn đến phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt gây cháy.
Mặc dù còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, song trên thực tế qua các đợt kiểm tra của Công an thành phố Hà Nội phát hiện các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, người dân còn nhiều bất cẩn, thiếu sót trong việc sử dụng điện như: hệ thống điện không đảm bảo an toàn, các mối nối không đúng kỹ thuật, thiết bị điện phát nhiệt để gần vật dễ cháy, nổ, dây dẫn điện bị quá tải, bong tróc lớp cách điện… tiềm ẩn nguy cơ gây chạm, chập điện dẫn đến cháy nổ.
Lấy phòng cháy là chiến lược cơ bản lâu dài
Quận Đống Đa (Hà Nội) là địa phương có mật độ dân số lớn nhất thành phố, sinh sống tại nhiều chung cư, khu phố nhỏ hẹp. Do đó, để ngăn chặn cháy nổ trên địa vào dịp Tết, quận Đống Đa đã đặt biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, với phương châm lấy phòng là chính; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong các vụ cháy trên địa bàn.
Ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa cho biết, quận chỉ đạo các phường quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới, phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản – chiến lược – lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn – từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn – từng khu phố an toàn. Khi xảy ra cháy, các phường cần huy động tối đa các lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra.
Cũng theo ông Hà Anh Tuấn, quận cũng xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy theo các chuyên ngành, chuyên đề. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán tập trung các cơ sở trọng điểm, nơi tập trung đông người, quán bar, vũ trường, nhà cao tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa có diện tích lớn; các đình, chùa, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội… Kịp thời phát hiện, hướng dẫn cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Còn theo ông Nguyễn Viết Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây (Hà Nội), để phòng ngừa cháy nổ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thị xã đã chỉ đạo Công an khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, quản lý chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt, nhất là khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, thắp nến, đốt vàng mã…. Phải có người trông coi khi sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt… gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Đối với các hộ gia đình khi bố trí nơi thắp hương, thờ cúng phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như: sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt như: tủ điện, ổ cắm điện... Mỗi hộ sản xuất kinh doanh, gia đình cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khác ngoài cửa chính như: ban công, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh...
Về giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành phố cho biết đã giao các quận, huyện, thị xã tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn cho người dân. Phấn đấu trong năm 2023, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 100% người làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở thuộc diện quản lý được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, căn cứ vào các hướng dẫn của cấp trên, trong trường hợp cháy nổ xảy ra, thành phố sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài việc siết chặt kỷ cương trong phòng, chống cháy nổ, thành phố Hà Nội sẽ công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung quanh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gây hậu quả nghiêm trọng.