Hà Nội: Cảnh báo thiếu nguồn cung nước sạch nếu chỉ chờ đợi dự án của doanh nghiệp tư nhân
Nước sạch sinh hoạt cung cấp trên địa bàn các quận và nhiều huyện của TP Hà Nội hiện phụ thuộc nhiều vào 2 doanh nghiệp tư nhân lớn cung cấp là Công ty CP Nước Sông Đà và Công ty CP Nước mặt Sông Đuống.
Nguồn cung mới phụ thuộc doanh nghiệp
Theo lộ trình, cả hai nhà máy nước Sông Đà và Sông Đuống này đều phải đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất nước sạch cấp cho thành phố Hà Nội.
Cụ thể, nhà máy nước Sông Đà giai đoạn 2 công suất 600.000m3/ngày đêm, và nhà máy nước Sông Đuống giai đoạn 2 đến 2025 cung cấp 300.000m3/ngày đêm… Cùng đó, Nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, được chuẩn bị đầu tư từ quý II đến quý IV/2015, kế hoạch thực hiện từ quý IV/2015 đến quý IV/2020, kết thúc và đưa vào sử dụng từ quý I/2021. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể cung cấp sản phẩm ra thị trường trong khi tiến độ triển khai các dự án Sông Đà và Sông Đuống 2 đều chậm trễ.
Theo lộ trình, việc khai thác nước ngầm sẽ phải cắt giảm dần do ô nhiễm và gây sụt lún. Công ty Nước sạch Hà Nội cũng đã khai thác nước mặt nhiều năm nay tại Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì nhưng khối lượng khai thác còn khiêm tốn so với nhu cầu. Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 200.000-250.000m3/ngày đêm cũng mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát lập số liệu, xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị đầu tư...
Một chuyên gia lâu năm trong ngành nước thẳng thắn chia sẻ, việc đầu tư mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay quá chậm và đặt hết kỳ vọng vào doanh nghiệp tư nhân.
“Về nguyên tắc, doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích, lợi nhuận. Trong khi đó, nước sinh hoạt là an ninh, là sống còn của xã hội nhưng lại phụ thuộc vào một vài nhóm tư nhân đầu tư thì rất dễ xảy ra bất ổn như những vụ việc đã từng xảy ra thời gian qua. Sở Xây dựng Hà Nội cần cho thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch chứ không chỉ là trung gian điều tiết lượng nước như hiện nay”-vị chuyên gia cho hay.
Ông Trịnh Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nước Sông Đà cho biết, trung bình trong 10 tháng của năm 2023, Công ty cung ứng cho các khách hàng lớn là Viwaco và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông khoảng 300.000m3/ngày đêm, thậm chí có giai đoạn đạt 310.000 m3/ngày đêm là đã vận hành tối đa công suất, không thể nâng thêm được nữa.
Trong khi đó, hiện mực nước sông Đà đã xuống thấp khoảng 1m so với thời điểm trước đây khiến việc dẫn nước về hồ Đầm Bài phục vụ cho việc sản xuất nước sạch gần như không còn tự chảy được như trước.
“Công ty vừa phải đầu tư một trạm bơm khẩn cấp trên sông Đà để bơm nước đưa về kênh dẫn hồ Đầm Bài do mực nước sông Đà xuống quá thấp. Tình trạng này đã diễn ra khoảng 1 năm và sẽ còn tiếp tục kéo dài. Do vậy, trong giai đoạn 2 Công ty phải xin điều chỉnh đầu tư trạm bơm nước thẳng từ sông Đà đưa về nhà máy mà không qua hồ Đầm Bài nữa”- ông Nam thông tin.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải chờ UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch tỉnh được thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh này vào cuối năm nay. Như vậy, nhanh nhất vào đầu năm 2024 Công ty mới có thể triển khai đầu tư tiếp giai đoạn 2 của dự án.
Để có thể thêm lượng nước cấp cho Thủ đô Hà Nội, hiện nay, Công ty đã hoàn thiện đầu tư công nghệ tách bùn, chờ Cục Giám định, Bộ Xây dựng nghiệm thu cho phép đưa vào vận hành. Khi đó, nhà máy nước Sông Đà sẽ bổ sung thêm được tối thiểu 10.000m3 nước/ngày đêm về Thủ đô.
Nhiều dự án cấp nước chậm trễ bị thu hồi
Kết quả giám sát về tình hình cung cấp nước sạch mới đây của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho biết, việc hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch còn gặp khó khăn do các chủ đầu tư triển khai chậm hoặc "rút lui" khiến nguồn nước điều tiết trở nên khó khăn hơn.
Cụ thể như, dự án nhà máy nước Xuân Mai công suất 200.000m2/ngày đêm, nhà đầu tư là Công ty CP nước Aqua One, tiến độ hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Dự kiến, công suất giai đoạn 1 là 100.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho khu vực Hà Đông, Thanh Oai.
Nguyên nhân chậm trễ được chỉ ra là do các Sở, ngành còn thiếu quyết liệt trong thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, năng lực chủ đầu tư còn hạn chế.
Trong nhóm các dự án mà chủ đầu tư không thực hiện hoặc chậm trễ, có dự án đầu tư cấp nước cho các xã còn lại của huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh. Dự án được giao cho Công ty CP nước Aqua One và Công ty nước mặt sông Đuống là chủ đầu tư từ năm 2017. Tuy nhiên, liên danh 2 công ty này đã xin “bỏ” dự án, TP Hà Nội đã thu hồi và giao cho nhà đầu tư khác triển khai.
Báo cáo giám sát của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội nêu rõ, về cơ bản, các dự án trên không có vướng mắc lớn. Nguyên nhân chậm chủ yếu là do các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ, kế hoạch được phê duyệt.
Một số chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, vốn, công nghệ. Mặc dù thành phố đã có cơ chế tạo điều kiện để các chủ đầu tư được vay vốn song việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp khó khăn do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn. Mặt khác, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền cơ sở của một số dự án còn chưa tốt, chưa kịp thời.
Một số dự án chậm là do chủ đầu tư tính toán đến hiệu quả dự án nên chưa quyết liệt thực hiện hoặc còn chờ đợi tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển nguồn nước tập trung.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, dự án cấp nước tại huyện Phúc Thọ (đã giao nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam (năm 2018) và Công ty CP Kỹ thuật môi trường Việt (năm 2017) sẽ phải thu hồi, điều chỉnh dự án đầu tư để giao nhà đầu tư mới.
Sở Xây dựng kiến nghị TP Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình trong việc chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc khi thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 và Nhà máy nước Xuân Mai để nâng công suất nguồn nước sạch sản xuất bổ sung nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm theo lộ trình đã đề ra.