Hà Nội chậm thu dọn cây đổ, vệ sinh môi trường sau bão: Thiếu 'nhạc trưởng'
Sau bão hơn một tuần, nhiều tuyến phố tại Hà Nội mới được thu dọn cây xanh gãy, đổ. Có ý kiến cho rằng lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các quận huyện có phần lúng túng trong tổ chức vệ sinh môi trường, thu dọn cây đổ sau bão. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng lớn đến lưu thông đi lại, kinh doanh của người dân.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vừa tổ chức lễ phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, ngay sau lễ phát động, nhiều tổ chức đoàn thể, người dân đã chung tay dọn dẹp, phong quang các tuyến phố. Đoàn Thanh niên tại các phường, các đơn vị thuộc quân đội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an)... đã đồng loạt dọn dẹp đường phố, có những nơi dọn dẹp xuyên đêm.
Tuy nhiên do khối lượng công việc lớn, nên nhiều tuyến phố vẫn xơ xác, cành cây, lá cây ngổn ngang ở cả lòng đường lẫn trên vỉa hè. Đây là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông cả tuần qua ở nhiều tuyến đường.
Những trục giao thông chính như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), phố Huế, Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Công Trứ, Hàn Thuyên, Thi Sách (quận Hai Bà Trưng)... thường xuyên ùn tắc.
Tại phố Đỗ Ngọc Du, phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng), cây đổ ngang dù đã được cắt bớt nhưng vẫn chiếm nửa lòng đường gây khó khăn cho các phương tiện đi lại. Đồng thời cành cây, thân cây chìa ra đường buổi tối tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt trong tình huống vẫn còn nhiều tuyến phố chưa được cấp lại điện chiếu sáng công cộng.
Bà Điệp (người dân phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) cho biết, sau bão một cây lớn đổ vào trường cấp 1, cấp 2 Chương Dương khiến hàng trăm học sinh không thể đi học.
Tuy nhiên, cây đổ nhiều ngày mà không được xử lý do công ty cây xanh “quá tải”. Phường đã phải huy động lực lượng, mượn xe nâng của công ty chiếu sáng, thuê máy cắt... vất vả xử lý cây và vận chuyển đi trong đêm để học sinh được đi học trở lại vào sáng hôm sau. "Qua vụ việc, tôi thấy yêu cầu cấp thiết nhưng vẫn phải chờ đợi, khiến nhiều người dân bức xúc", bà Điệp nói.
Anh Nguyễn Thanh Bình (chủ một cửa hàng cafe phố Bà Triệu) cho biết, cây đổ trước mặt quán làm đổ giàn cây leo. Nhiều cành cây to cùng lá cây ngổn ngang choán hết mặt tiền khiến anh Bình không thể kinh doanh được suốt tuần qua. Mặc dù rất muốn dọn nhưng cành cây cắt ra quá to, không thể 2- 3 người khiêng được.
“Khiêng xong cũng không biết chuyển đi đâu. Việc xử lý cây xanh, lá cây rụng chậm chạp ảnh hưởng lớn không nhỏ đến việc kinh doanh của người dân”, anh Bình nói.
Chậm trễ, bị động
Về việc chậm xử lý cây xanh trên một số tuyến phố, đại diện UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, ngay sau bão tan vào tuần trước, UBND phường đã huy động mọi lực lượng, ban ngành, đoàn thể xử lý cây xanh sau bão.
Về một số tuyến phố cây vẫn nghiêng ra đường, gây ảnh hưởng, đại diện phường cho rằng dù rất muốn dọn dẹp sớm nhưng một số tuyến có cây thuộc diện trồng lại, do đó địa phương vẫn phải chờ Công ty Cây xanh - đơn vị có chuyên môn đến đưa cây trồng lại vào chỗ cũ hoặc đánh chuyển về vườn ươm.
KTS Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc ATH Homes) nhìn nhận: Việc phát động dọn dẹp sau bão của Hà Nội vừa qua có phần chậm trễ. Nếu làm sớm hơn thì sẽ giúp các quận, huyện chủ động trong việc xử lý cây cối gãy đổ. Thời gian đầu chính quyền cơ sở trông chờ vào Công ty Cây xanh, Trung tâm Hạ tầng của Sở Xây dựng, đến khi không thể chờ mới tự đi xử lý cây cối. Như vậy vô tình tạo ra độ trễ, bị động trong xử lý vệ sinh môi trường.
KTS Tuấn nhấn mạnh: Cây xanh, đặc biệt là những cây có giá trị như cây đa, cây si, cây sanh nhiều tuổi thì việc cứu cây quan trọng nhất là thời điểm. Chỉ cần rễ cây bật khỏi gốc hơn 5 ngày thì sẽ bị khô bộ rễ. Thời gian này là thời điểm “vàng” để cắt rễ, bơm thuốc kích rễ cho cây hồi phục. “Nếu chậm trễ, Hà Nội có thể mất nhiều cây cổ thụ, gắn bó với tiềm thức, ký ức, kỷ niệm của người dân Thủ đô”, KTS Tuấn chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân với diện tích rất rộng. Do đó không thể dọn dẹp trên toàn địa bàn thành phố. Cần phải chọn việc mà làm, các con đường huyết mạch, phố trung tâm phải làm trước và huy động phong trào quần chúng, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc. “Trên quan điểm làm đâu gọn đó, sớm trả lại sự phong quang cho Thủ đô”, ông Phú nói.
“Ngoài ra, xử lý cây như thế nào, vệ sinh môi trường, y tế ra sao; giải quyết các vấn đề đô thị cấp bách sau bão như cấp nước, thoát nước thế nào... tất cả cần phải làm đồng bộ, cần có một nhạc trưởng chỉ huy, cả thành phố chục triệu dân không thể mạnh ai nấy làm được”, vị chuyên gia nói.
Ông Phú cũng đề nghị: Thành phố cần "nhạc trưởng" quyết liệt trong vấn đề này, trong đó ngay sau bão phải huy động ngay tổng thể các lực lượng, đặc biệt là người dân tham gia dọn vệ sinh, thu gom cây đổ. Thành phố cần phân cấp trách nhiệm cụ thể từng tuyến đường cho quận, huyện, xã phường tập trung xử lý dứt điểm, tránh tình trạng kéo dài như vừa qua.
Tâm lý chờ đợi
Theo một số chuyên gia, việc trông chờ chỉ đạo từ Thành phố đến các cấp khiến cả thành phố đình trệ, các địa phương có tâm lý chờ đợi khiến giao thông bị “bỏ mặc” cả tuần lễ. Các quận, huyện cần chủ động đề xuất phương án xử lý cây xanh đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Không thể trông chờ một vài đơn vị công ích trong những tình huống khẩn cấp như vậy.
Phóng viên Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội nhưng chưa nhận được phản hồi về vấn đề này…