Hà Nội chậm ứng dụng công nghệ

Trong khi một số địa phương tỏ ra khá thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống dịch Covid-19 thì TP Hà Nội loay hoay thay đổi đến 4 lần mẫu giấy đi đường trong 1 tháng

Liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác phòng chống dịch Covid-19, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thực hiện sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt về hệ thống và thuận lợi đối với các địa phương, bộ ngành cũng như dễ sử dụng đối với người dân.

Hà Nội "chậm chân"

Địa phương nổi bật nhất trong việc ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch thời gian vừa qua là TP Đà Nẵng thông qua việc cấp giấy đi đường bằng mã QR đối với các đối tượng được phép hoạt động. Người dân chỉ mất 5 phút điền các thông tin đăng ký để nhận mã QR, mở sẵn ứng dụng (app) eTicket-DaNang có mã QR được cấp để lực lượng chức năng kiểm tra trong khoảng 5 giây.

Lực lượng chức năng TP Hà Nội hiện vẫn kiểm tra giấy đi đường bản giấy của người dân

Lực lượng chức năng TP Hà Nội hiện vẫn kiểm tra giấy đi đường bản giấy của người dân

TP HCM cũng được đánh giá là địa phương khá thành công trong ứng dụng CNTT vào phòng chống Covid-19. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết app An sinh của thành phố được mở trên cả 2 kho ứng dụng Google Play và App Store để người dân tải về và đăng ký. Đây là một trong những giải pháp công nghệ giúp việc thống kê đầy đủ hơn và không bị bỏ sót đối tượng. Hiện đã có hơn 200.000 người đăng ký qua app này. Trước đó, Công an TP HCM thí điểm lắp đặt camera đọc mã QR tại địa bàn quận 1 và quận 3, mang lại hiệu quả khá tốt.

Các tỉnh Bắc Giang, Cà Mau, Thanh Hóa... cũng tích cực ứng dụng CNTT vào công tác kiểm soát đi lại, thiết lập đăng ký điểm kiểm dịch, quản lý tiêm chủng, khám chữa bệnh từ xa...

Trong khi đó, tại TP Hà Nội, trong hơn 1 tháng qua, người dân, doanh nghiệp (DN) đã phải thay đổi mẫu giấy đi đường 4 lần. "Không riêng giấy đi đường, rất nhiều lĩnh vực khác như quản lý thủ tục hành chính, quản lý dân cư, giáo dục, giao thông vận tải và đặc biệt là lĩnh vực y tế cũng cần phải ứng dụng CNTT. Riêng lĩnh vực y tế, có nhiều khâu có thể ứng dụng CNTT như tiêm vắc-xin, quản lý xét nghiệm, quản lý cách ly và điều trị… Sự lúng túng của Hà Nội trong xử lý vấn đề giấy đi đường cho thấy Hà Nội vẫn đang đuổi theo để dọn dẹp những vấn đề phát sinh trên thực tiễn" - ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nhận xét.

Cũng theo ông Liên, TP Hà Nội hiện đang theo quy trình ngược là các DN CNTT chủ động đưa ra giải pháp thay vì thành phố ra đầu bài để DN xây dựng ứng dụng cho phù hợp. "Tình trạng ứng dụng CNTT của TP Hà Nội hiện nay là "cái gì cũng có" nhưng rời rạc. Mã QR kiểm soát việc đi lại của người dân của TP Hà Nội vẫn là "thủ công nối thủ công" từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường. Ngoài việc tạo ra vất vả cho người dân, DN, điều này còn gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi tờ giấy đi đường phải trao đi đổi lại khắp nơi" - ông Liên lo ngại và cho rằng TP Hà Nội cần có tư duy quản trị, tầm nhìn quản lý tổng thể, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh Chính phủ một cửa.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Minh Hồng cũng nhìn nhận sự "chậm chân" trong việc ứng dụng CNTT của TP Hà Nội thể hiện ở việc cấp giấy đi đường. "Từ sự lúng túng, thủ công trong việc cấp giấy đi đường đã dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý; đẩy khó khăn về phía người dân, DN và không đúng với xu thế ứng dụng CNTT của thế giới hiện nay" - nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT chỉ rõ.

Cần chiến lược về chuyển đổi số

Ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh chính quyền địa phương có vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chiến lược bài bản liên quan đến ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch. Nếu không có chiến lược bài bản và sát thực tiễn thì sẽ dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở", chồng chéo, kém hiệu quả. Ông Liên đề nghị TP Hà Nội rà lại tổng thể các dự án đầu tư về CNTT trên địa bàn để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; chấp nhận loại bỏ dự án không hiệu quả, từ đó hình thành chiến lược lâu dài, đón đầu tình hình mới. "TP Hà Nội đang thiếu một "tổng đạo diễn" để hoạch định các vấn đề khẩn cấp hoặc lâu dài trong ứng dụng CNTT vào các khâu quản lý cũng như trong đời sống người dân. Lãnh đạo TP phải đánh giá được nhu cầu hiện tại, tương lai để đặt hàng các cơ quan, DN thì dự án đầu tư mới khả thi, hiệu quả" - ông Liên thẳng thắn góp ý.

Chuyên gia này cho rằng trong phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo địa phương cần nhận diện rõ việc ứng dụng CNTT vào những khâu nào, nắm được chỗ nào đã ứng dụng, chỗ nào còn trống... để có giải pháp phù hợp. "Tư duy quản trị chưa rõ ràng sẽ dẫn đến kịch bản không tốt, kéo theo việc ứng dụng công nghệ khập khiễng và hệ quả là đầu tư không hiệu quả. Công nghệ cứ đuổi theo thực tế thì thành câu chuyện hai cái sai thành một cái đúng" - ông Liên bình luận thêm.

Đồng tình, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát lại tổng thể việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trên địa bàn. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của việc chậm trễ chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, chỉ rõ những bất cập hiện nay là do ai, do đâu!?

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chấn chỉnh việc cấp giấy đi đường

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện 1099 và Công điện 1102.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập; không để xảy ra tình trạng người dân và DN chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

T.Dũng

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-nghe/ha-noi-cham-ung-dung-cong-nghe-20210908223125918.htm