Hà Nội chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng con dấu
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Công văn số 4258/UBND-NC về việc chấn chỉnh và hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng con dấu.
Công văn nêu rõ, để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu trong thời gian tới, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã: Có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn được giao phụ trách thường xuyên kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu, ban hành quy chế về việc quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, tố giác, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan Công an khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm có liên quan đến giấy tờ, tài liệu, con dấu; tuyên truyền về hậu quả của việc mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả để người dân không tham gia mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả.
Phối hợp với Công an các cấp và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tại địa phương kịp thời nắm tình hình, trao đổi các thông tin khi cần thiết để làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu, đặc biệt là các vụ làm giả hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tăng cường công tác quản lý và sử dụng con dấu, ban hành quy chế về phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ quản lý con dấu nhằm tránh việc quản lý lỏng lẻo, sử dụng tùy tiện và để mất con dấu. Trường hợp mất con dấu phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi đăng ký mẫu dấu để thông báo hủy giá trị sử dụng con dấu trên phạm vi toàn quốc theo quy định.
Con dấu phải được quản lý chặt chẽ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức; chỉ chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức mới được quyết định việc mang con dấu ra ngoài trụ sở để sử dụng giải quyết công việc. Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức bị mất con dấu, trong thời hạn 2 ngày kể từ khi phát hiện mất con dấu thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.
Cơ quan, tổ chức bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu theo quy định.
Con dấu đang sử dụng bị biến dạng, mòn, hỏng hoặc có thay đổi tổ chức, đổi tên thì phải thực hiện thủ tục đăng ký lại mẫu con dấu, nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu. Trường hợp bị hỏng phải thực hiện thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
Công văn cũng nêu, ngày 14-11-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại Hà Nội từ ngày 1-1-2025. Để bảo đảm thời gian các cơ quan, tổ chức tại đơn vị hành chính trong diện sắp xếp lại được cấp con dấu mới theo quy định kịp thời, không ảnh hưởng đến các giao dịch và thủ tục hành chính các đơn vị thực hiện liên hệ Công an thành phố để làm thủ tục nộp hồ sơ đăng ký lại mẫu con dấu, hồ sơ thu hồi con dấu theo quy định.
Công an thành phố thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý con dấu theo đúng quy định tại Nghị định 99, Nghị định 56 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Công an.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-chan-chinh-cong-tac-quan-ly-su-dung-con-dau-687976.html