Hà Nội: Chăn nuôi lợn theo hướng tuần hoàn, sinh thái là hướng đi bền vững, hiệu quả
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả và bền vững, Hà Nội sẽ không tăng số lượng đàn vật nuôi và giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ (hiện tại chăn nuôi quy mô nông hộ còn tới 54,7% đến năm 2030 còn từ 15-20%).
Tổng đàn lợn đứng trong tốp đầu cả nước
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, TP Hà Nội có diện tích tự nhiên là 3,3 ngàn km2, gồm 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 18 huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp. Lợi thế là Thủ đô, Hà Nội vừa có điều kiện giao thương thuận lợi lại vừa có điều kiện tự nhiên phong phú với 150 nghìn ha đất đồi gò; 125 nghìn ha đất bãi phù xa, 35 nghìn ha đất đồng bằng và còn lại là đất trũng.
Tổng đàn lợn trên địa bàn TP luôn ở mức 1,3 - 1,8 triệu con, đứng trong tốp đầu cả nước. Bên cạnh đó, sản xuất giống mỗi năm xuất bán khoảng 100-200 nghìn còn giống lợn cho các tỉnh, TP.
Chương trình cung ứng tinh dịch lợn của TP đã đạt được những kết quả nổi bật, chất lượng đàn lợn thịt tăng do được lai tạo với các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: Landrace, Yorkshire, Pidu và đặc biệt là giống lợn Pietrain kháng stress của Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam... Từ năm 2015-2017, TP đã hỗ trợ một số giống lợn nhập ngoại Gen ++ của Pháp. Qua thực tế cho thấy mỗi nái sinh con nhiều hơn đến 4-8 con/năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các cơ sở, HTX doanh nghiệp chăn nuôi.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh những thuận lợi đã nêu trên, ngành chăn nuôi lợn của TP Hà Nội đang đứng trước những tồn tại, khó khăn khi chăn nuôi lợn vẫn còn nhỏ lẻ, tỷ lệ chăn nuôi quy mô nông hộ hiện tại vẫn chiếm 54,7%. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, đã dẫn tới khó khăn trong việc bố trí các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và khó khăn trong phát triển vùng chăn nuôi tập trung.
Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào có biến động tăng lớn, giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi lợn, con giống biến động tùy từng thời điểm, không ổn định, gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi. Năm 2019-2020, do thiệt hại của dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đàn lợn phải tiêu hủy mất 30% tổng đàn, việc tái đàn của các hộ chăn nuôi còn chịu nhiều bất lợi nên sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn TP phục hồi chậm.
Cùng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt trong thời gian gần đây, nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài đã có tác động tiêu cực đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi nhất là đàn lợn thương phẩm nên nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn TP là rất cao.
Phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, sinh thái
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả và bền vững, ngành chăn nuôi Thủ đô sẽ không tăng số lượng đàn vật nuôi và giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ (hiện tại chăn nuôi quy mô nông hộ còn tới 54,7% đến năm 2030 còn từ 15-20%). Đồng thời phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm xa khu dân cư, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái để đảm bảo phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi của TP và các tỉnh thành. Bên cạnh đó, cần phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị để kiểm soát có hiệu quả chất lượng thịt lợn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Theo ông Tạ Văn Tường, hiện tại, Hà Nội có 162 xã chăn nuôi trọng điểm gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 39 xã chăn nuôi bò thịt, 48 xã chăn nuôi lợn, 60 xã chăn nuôi gia cầm, với 6.381 trang trại chăn nuôi. “Sở NN&PTNT đang tham mưu rà soát, xây dựng lại danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung là cơ sở để tích hợp vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tạo các vùng sản xuất chăn nuôi ổn định, bền vững, tạo điều kiện cho cơ sở, HTX, doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn TP” – ông Tạ Văn Tường cho hay.
Cũng theo ông Tạ Văn Tường, phát huy lợi thế trên địa bàn TP có nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT, Học viện, các trường Đại học đóng trên địa bàn, Sở NN&PTNT đã tham mưu TP Hà Nội đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hợp tác trong công tác đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, quản lý chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đối với cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về sản xuất, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm, sản phẩm an toàn trên các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Thủ đô, cũng như cộng đồng” – ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, sinh thái, trước hết TP Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với điều kiện thực tiễn. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.