Hà Nội chi 26.000 tỷ đồng nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy
HĐND Hà Nội thông qua gói ngân sách hơn 26.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn…
Quyết nghị được HĐND Hà Nội thông qua hôm nay, 2-7, gắn với đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, mà UBND trình.
Nhiều tồn tại, vướng mắc
Tờ trình của UBND Hà Nội đề cập tới các vụ cháy gần đây, gây hậu quả nghiêm trọng về người, xảy ra chủ yếu tại nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và một số loại hình cơ sở khác trong khu dân cư. Vấn đề này từng được HĐND thành phố nhắc đến trong Nghị quyết 05/2022, nhưng tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy còn chậm do gặp nhiều bất cập, vướng mắc.
Bên cạnh đó, quy hoạch và xây dựng hệ thống cơ sở của hệ lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn chưa phù hợp với mô hình, quy định mới. Quân số, biên chế, trang thiết bị, phương tiện còn thiếu, nhất là phương tiện hiện đại để đáp ứng được yêu cầu công tác thường trực chữa cháy…
Nhận thức, ý thức của một bộ phận cá nhân, hộ gia đình, cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế. Còn năng lực trong công tác quản lý nhà nước cũng như năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Vì những lý do đó, UBND Hà Nội dự thảo đề án với các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên và nhiệm vụ, giải trọng tâm, đột phá nhằm từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc, đảm bảo khai thác tối đa nguồn lực để nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô.
Hơn 26 nghìn tỷ để nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy…
Đề án đưa ra lộ trình 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030. Tổng kinh phí khoảng 26.341 tỷ đồng.
Mục tiêu là 100% hộ gia đình trên địa bàn tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có “lối thoát nạn” thì phải mở “lối thoát nạn".
Đề án cũng đề ra mục tiêu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải xử lý dứt điểm những tồn đọng trong công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư và các công trình vi phạm. Đôn đốc 100% cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy khắc phục được vi phạm, không để phát sinh công trình vi phạm mới về đất đai, trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy…
Đề án cũng đặt mục tiêu xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tinh nhuệ, hiện đại, đầy đủ trang thiết bị. Đồng thời phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà.
Khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước.
Hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 04 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ….
Theo báo cáo của UBND Hà Nội, với dân số thường xuyên khoảng 10 triệu người, Thủ đô hiện có khoảng 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó, có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Ngoài ra, Hà Nội có 1 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khoảng trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.
Thống kê trong 10 năm (2014 - 2023), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ. Ngoài ra có khoảng trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác như cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ xuất trong đun nấu trong nhà dân.