Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng
Ngày 24-8, UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc đưa vào vận hành xe đạp điện, xe đạp công cộng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho người dân thành phố Hà Nội như giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: “Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện”.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, với sự nỗ lực hưởng ứng và đồng hành của toàn xã hội, dịch vụ xe đạp đô thị sẽ ngày càng phát triển, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho sự tiến bộ và hiện đại của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Công ty Trí Nam theo dõi, lắng nghe phản hồi của người dân, du khách, nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ; trên cơ sở đó tổng hợp kết quả triển khai sau thời gian thí điểm.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam cho biết: “Việc đưa vào hoạt động chính thức xe đạp điện, xe đạp công cộng được triển khai thực hiện giai đoạn đầu tại 79 điểm trạm, với 1.000 phương tiện xe trong đó 500 xe đạp điện và 500 xe đạp công cộng được bố trí tại nhiều khu vực nội thành. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch đảm bảo cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi”.
Theo ông Đỗ Bá Dân, trong 7 ngày hoạt động thử nghiệm trước khi đi vào vận hành chính thức, đã có 16.450 tài khoản mới được lập; 7.454 chuyến đi với trung bình 6,3km/chuyến.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm; có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo theo đúng quy định.
Tin, ảnh: LINH HÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.