Hà Nội chính thức gắn biển tên phố mang tên vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Sáng 12/3, TP Hà Nội đã công bố Quyết định đặt tên đường và gắn biển tên phố Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, Nguyễn Như Uyên và Nguyễn Bá Khoản.
Tháng 12/2021, với 100% đại biểu có mặt tán thành tại kỳ họp thứ ba, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội năm 2021.Theo đó, có 38 tuyến đường, phố mới và 9 tuyến đường và phố được điều chỉnh độ dài. Đáng chú ý, trong số 38 tên được lấy ý kiến đặt tên đường, phố lần này có trường hợp đặc biệt là vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội quyết định vị trí phố Lưu Quang Vũ nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430 m, rộng 17,5-26 m (lòng đường 7,3-13 m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6,5 m).
Phố Xuân Quỳnh cũng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố dài 470 m, rộng 10 m (trong đó lòng đường rộng 6 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2 m).
Cùng ngày, UBND quận Cầu Giấy cũng tổ chức gắn biển phố Nguyễn Như Uyên và Nguyễn Bá Khoản.
Phố Nguyễn Bá Khoản bắt đầu từ đoạn ngã tư giao cắt phố Vũ Phạm Hàm tại số nhà 134 Vũ Phạm Hàm đến ngã ba giao cắt tại tòa nhà Ánh Dương (Sky Land). Phố dài 470 m, rộng 17 m (trong đó lòng đường rộng từ 5-7 m, vỉa hè mỗi bên từ 3 đến 5 m).
Phố Nguyễn Như Uyên bắt đầu từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính (số 299 phố Trung Kính) đến ngã tư giao cắt phố Nguyễn Chánh - Nguyễn Quốc Trị (số 150 Nguyễn Chánh). Phố dài 730 m, rộng 21,25 m.
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) được xem là một tài năng lớn của văn chương và sân khấu Việt Nam. Ông là tác giả của 50 vở kịch từng được nhiều đoàn kịch, nhà hát xây dựng thành những vở diễn nổi tiếng, tầm cỡ… Một số vở kịch trở thành mẫu mực của sân khấu Việt Nam như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Bệnh sĩ; Khoảnh khắc và vô tận; Tôi và chúng ta; Tin ở hoa hồng; Nàng Sita… Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, bài thơ nổi tiếng đã đi vào lòng nhiều thế hệ như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu.... Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như: Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa Thu, Tiếng gà trưa... Bà được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017 với hai tập thơ Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.