Hà Nội cho phép tách thửa, hợp thửa trở lại
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội quyết định bãi bỏ đề nghị tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về việc chia tách thửa đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2869/STNMT-ĐKTKĐĐ về việc bãi bỏ Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ ngày 22/3/2022 liên quan đến đề nghị tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở…
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất cho người sử dụng theo quy định nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố đúng quy định pháp luật.
Trước đó, Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTĐĐ ngày 22/3/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội được ban hành trong bối cảnh tình trạng giá đất tăng đột biến ở một số huyện vùng ven.
Trước văn bản trên của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Do đó, việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất được đề cập tại công văn trên không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Ngoài ra, theo Bộ Tư Pháp, Văn bản 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Theo nhận định của các chuyên gia, chính sách tạm dừng phân lô tách thửa đã đẩy thị trường bất động sản vùng ven vào giai đoạn trầm lắng, các giao dịch cũng sẽ trầm lắng hơn khi đất không được phân lô sẽ buộc nhà đầu tư phải đổ khoản tiền lớn để sở hữu.
Bên cạnh đó, chính sách liên quan đến room tín dụng, lãi suất cao càng khiến thị trường đất nền vùng ven "khựng lại".
Thậm chí, giá đất tại nhiều nơi đã hạ nhiệt. Mức giảm mạnh chủ yếu tại một số khu vực ven đô, nơi giá trước đó đã được thổi lên nhanh chóng.
Theo khảo sát, những lô đất đấu giá có vị trí mặt đường ở Sơn Tây, Quốc Oai, Thạch Thất có mức giá 28-36 triệu đồng/m2, giảm 30-40% so với thời kỳ đỉnh “sốt đất” của năm 2021.
Tại khu vực Hoài Đức, giá đất dịch vụ ở Di Trạch, Vân Canh, Lai Xá, Kim Chung… đã giảm từ 30 – 40 triệu đồng/m2 so với thời kỳ “sốt đất” và hiện nhà đầu tư rao giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại các vị trí gần trung tâm như khu An Hạ (xã An Thượng), An Thọ (xã An Khánh) giá rao bán cũng giảm từ 5 -7 triệu đồng/m2 so với thời kỳ đỉnh giá và đang neo ở mức 34 – 37 triệu đồng/m2.
Tại khu vực Đông Anh, những lô đất mặt đường tại Đông Hội, Xuân Canh, Tiên Dương, Nguyên Khê… thời điểm “sốt đất” đều có giá rao bán từ 60 triệu đồng/m2 trở lên, có những lô bị đẩy lên 70 - 110 triệu đồng/m2. Trái ngược với thời điểm đó, hiện nhiều chủ đất chào giá trong ngưỡng 30 – 40 triệu đồng/m2. Đây là mức giá giảm sâu kỷ lục từ trước đến nay.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-cho-phep-tach-thua-hop-thua-tro-lai-post636464.html