Hà Nội chủ động đối mặt với mùa mưa bão khó lường
Hà Nội sẽ chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2017. Đó là khẳng định của ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, nhất là khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm 2017 được tổ chức chiều ngày 11/4.
Công nhân cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN
Theo dự báo của của Đài khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ, thời tiết khí hậu năm 2017 sẽ phức tạp khó lường. Đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang pha lạnh.
Do tác động của El Nino, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện khoảng 7 - 10 cơn, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, thời gian ảnh hưởng tập trung từ tháng 7 đến tháng 9.
Bên cạnh đó, dự báo toàn mùa có khoảng 6 - 8 đợt nắng nóng, tập trung chủ yếu vào nửa cuối tháng 5, 6 và tháng 7, các đợt nắng nóng có thể không quá gay gắt.
Toàn mùa có từ 6 - 8 trận mưa từ to đến rất to. Tổng lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 10 vào khoảng 1.300 - 1.500mm. Về thủy văn, mùa lũ năm 2017 có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Toàn mùa xuất hiện 2 - 3 đợt lũ lớn, đỉnh lũ nằm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2016.
Theo ông Chu Phú Mỹ, năm 2016, cơn bão số 1 đi qua Hà Nội được đánh giá không mạnh (cấp 8 - 9). Tuy nhiên, cơn bão đã gây mưa lớn và thiệt hại khá nặng nề trên địa bàn Hà Nội làm 7 người bị thương, hơn 100 cột điện bị đổ gãy, gần 500m dây điện bị đứt, 4 trạm biến áp bị hư hỏng. Ngoài ra, gãy đổ hơn 30.000 cây xanh, hư hỏng trên 4.000 công trình nhà ở, trên 77.000 gia súc, gia cầm bị chết... tổng thiệt hại gần 200 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó với thiên tai khi sắp bước vào mùa mưa bão, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội lập kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2017.
Việc làm này nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn về người và tài sản. Đồng thời, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, trong và sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội phân công các thành viên khẩn trương xuống địa bàn đã được phân công, phối hợp và chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các quận, huyện, thị xã đối phó với mưa, bão, úng ngập, thiên tai theo phương án đã được xây dựng.
Thành phố cũng sẽ tổ chức thường trực, dự báo, theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến mưa bão, lũ, úng ngập, thiên tai cần thông báo kịp thời về cấp độ, hướng bão và thời gian dự kiến bão đổ bộ để phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, cảnh báo cho nhân dân đảm bảo an toàn về tính mạng trong bão lớn, ngập sâu.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố cũng nêu rõ nhiệm vụ, khi xảy ra úng ngập cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong việc vận hành tiêu úng, tranh thủ tiêu kiệt nước đệm trên các tuyến kênh tiêu. Vận dụng linh hoạt trong việc tiêu úng ngập nội thành và ngoại thành, ưu tiên việc tạo điều kiện tiêu thoát nước nhanh nhất khu vực nội thành.
Khi có sự cố, phải khẩn trương khắc phục hậu quả theo phương án đã xây dựng như khắc phục hệ thống điện lưới, giải tỏa cây đổ trên các tuyến đường, tuyến phố, vệ sinh môi trường. Điện, nước cũng cần được nhanh chóng cấp lại; khống chế dịch bệnh phát sinh và triển khai giúp đỡ những khu vực, những gia đình bị thiệt hại nặng, đặc biệt hộ chính sách, hộ neo đơn, khó khăn; nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai phải tổng hợp báo cáo nhanh trong từng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình thiệt hại. Tổ chức phân loại, đánh giá tình hình thiệt hại; lập báo cáo tổng hợp diễn biến tình hình, công tác chỉ đạo ứng phó, nhu cầu cứu trợ và khắc phục hậu quả; đề xuất, kiến nghị theo quy định.