Hà Nội chủ động tiếp đà tăng trưởng
Một dấu ấn đặc biệt cả năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là Thành ủy Hà Nội cùng cấp ủy các cấp thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi 'nhiệm vụ kép' vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp xứng đáng vào nhiệm vụ phát triển của cả nước. Phát huy kết quả đạt được, các cấp, ngành, địa phương của thành phố đã, đang chủ động giữ nhịp tăng trưởng kinh tế, quyết tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả 'nhiệm vụ kép', bảo đảm và nâng cao đời sống nhân dân Thủ đô.
Hà Nội chú trọng phát triển hạ tầng logistics giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại Cảng cạn Long Biên. Ảnh: Đỗ Tâm
Những kết quả nổi bật
2020 là năm vô cùng khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Song, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là quốc gia hiếm hoi có kinh tế tăng trưởng dương.
Tự hào đóng góp vào thành tựu chung, kết quả nổi bật đó, năm 2020, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô Hà Nội tăng 3,98%, cao hơn 1,4 lần mức tăng chung của cả nước. Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã có những cách làm sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả.
Trước hết, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng, vì vậy, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công với tinh thần nỗ lực cao nhất. Theo Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Quốc Chương, ngay từ đầu năm 2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cùng vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm. Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác, thường xuyên đôn đốc, giải quyết các vướng mắc nảy sinh để nâng cao kết quả thu ngân sách cũng như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Một số công trình phục vụ dân sinh, giải quyết vấn đề tồn đọng qua nhiều năm đã nhanh chóng hoàn thành, như nút giao đường Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm...
Hà Nội cũng tiếp tục ghi dấu ấn trong thu hút đầu tư thông qua việc tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” lần thứ 4 vào tháng 6-2020. Đây là hội nghị lớn nhất, được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các mặt kinh tế - xã hội, với 229 dự án, tổng vốn 405.570 tỷ đồng được trao quyết định, chủ trương đầu tư...
Xác định tiêu dùng nội địa là một “chân kiềng” thúc đẩy tăng trưởng, Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, gia tăng tiêu thụ sản phẩm với 52 tỉnh, thành phố; đặc biệt là sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ” để hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố cũng tổ chức sớm chương trình khuyến mại ngay trong tháng 6, tháng 7-2020, thu hút các bên cung - cầu tham gia và đạt tổng giá trị giao dịch hơn 20.000 tỷ đồng.
Là một trong 2 đô thị lớn nhất nước, đồng thời cũng là động lực tăng trưởng của của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2020, Hà Nội đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kinh tế đô thị. Theo các nghiên cứu của quốc tế, ước tính các khu vực đô thị trên thế giới đóng góp 70-80% GDP quốc gia. Từ động lực đó, Thành ủy Hà Nội đã tập trung xây dựng và ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Thực tiễn của quận Hoàn Kiếm, chỉ có vỏn vẹn 5km2 nhưng là trọng điểm thu ngân sách của thành phố với mức thu 11.000 tỷ đồng mỗi năm, kể cả trong giai đoạn bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Đồng chí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trong các chuyến làm việc với các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các quận có tốc độ đô thị hóa cao và các huyện chuẩn bị thành quận, luôn quan tâm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ và phát triển kinh tế đô thị trên các nền tảng kinh tế số. Đây sẽ là nguồn lực phát triển mạnh mẽ, bền vững của các quận, huyện, thị xã nói riêng và của thành phố nói chung trong tương lai.
Với cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố đã chủ động tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp được quán triệt đến từng cơ quan chức năng, cán bộ thực thi công vụ để bảo đảm hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp cao nhất. Thực tế cho thấy, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh luôn là mục tiêu xuyên suốt. Hiện, Hà Nội đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cách Hà Nội vượt khó là sự sáng tạo, quyết liệt, hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả. Kết quả Hà Nội đạt được đáng ghi nhận trong bối cảnh khối lượng công việc cần giải quyết trên địa bàn rất lớn và phức tạp hơn so với các địa phương khác.
Chủ động vượt khó, tạo tăng trưởng
Mặc dù dịch Covid-19 còn gây ảnh hưởng, Hà Nội quyết tâm vượt khó để tạo bứt phá hướng tới mức tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm 2021. Ngay từ cuối năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu xác định tinh thần bắt tay ngay vào công việc, quyết tâm khắc phục khó khăn, đề ra giải pháp cụ thể để sớm phục hồi kinh tế. Hà Nội phải phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Lãnh đạo thành phố đề ra các giải pháp trọng tâm, đó là chỉ đạo, điều hành quyết liệt; đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19; chủ động bố trí các nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng là một nhiệm vụ quan trọng, gồm thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tư nhân... Hà Nội xác định tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm…
Với thị trường trong nước, Hà Nội phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, hệ thống chợ, thương mại - dịch vụ, thương mại điện tử, hoạt động logistics; kết hợp giữa kinh doanh truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng; xây dựng kịch bản phục hồi, phát triển ngành Du lịch theo diễn biến dịch Covid-19.
Ngoài ra, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tìm dư địa và phát huy thế mạnh để tăng tốc độ tăng trưởng. Trong đó, tập trung chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao; phát triển thương mại điện tử; hình thành và phát triển các loại hình kinh tế đô thị; xây dựng, phát triển mô hình trung tâm thương mại, giao dịch hiện đại có tầm vóc khu vực...
Từ đó, trong 2 tháng đầu năm 2021, đã có 3.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Niềm tin vào tương lai kinh doanh của các đơn vị đang hồi phục mạnh mẽ. Ước tính, tổng thu ngân sách nhà nước quý I-2021 đạt 67.601 tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,345 tỷ USD, tăng 12,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020…
Những con số trên cho thấy, sự nỗ lực, nhất quán từ nhận thức đến hành động sẽ tạo đà tăng trưởng, để Thủ đô hoàn thành tốt kế hoạch năm 2021.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/994795/ha-noi-chu-dong-tiep-da-tang-truong