Hà Nội chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ
Trong năm 2024, TP Hà Nội tích cực đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Đồng thời, chú trọng, tăng cường thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ…
Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư
Thời gian qua, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...
Đồng thời, ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã và đang đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện; mở rộng hợp tác xúc tiến đầu tư với tỉnh, thành phố trong các Vùng kinh tế trọng điểm, mọi Vùng miền, khu vực trên cả nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư…
Cùng với đó, đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, TP trong cả nước, nhất là trong khảo sát, xúc tiến, kết nối doanh nghiệp; liên kết các hãng hàng không, hãng lữ hành quốc tế lớn, tổ chức xúc tiến các nước thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội tại chỗ và các thị trường trọng điểm quốc tế…
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA), thời gian qua, Trung tâm cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình Tuần hàng, Festival; quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch thông qua Lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực…; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các tổ chức, đối tác quốc tế; thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đến nay, Trung tâm đã trở thành đầu mối giao thương, kết nối trực tuyến với doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Anh, Singapore, Ấn Độ, Maroc… trong lĩnh vực nông sản, giày dép, dệt may.
Thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai với đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do.
Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững…
Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tự thân vận động để giành cơ hội giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách chuyên nghiệp…
Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương khẳng định, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo TP trong công tác xúc tiến; tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chú trọng đổi mới. Xây dựng kế hoạch, tổ chức, tham gia, phối hợp tổ chức thành công, có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội năm 2024; liên kết chặt chẽ với các tỉnh, TP, cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước để tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động gắn kết khác.
Đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; tập trung vào các thị trường, quốc gia trọng điểm, các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vận dụng linh hoạt các chính sách, từng bước xây dựng môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng; mở rộng, phát triển thị trường phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, tuần hàng… tại các tỉnh, TP trong cả nước và nước ngoài…
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chương trình số 03/CTr-UBND về xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội năm 2024 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.
Chương trình góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8,0%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thành phố đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối đã được UBND TP xác định và triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2015 - 2020.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tìm hiểu tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư trong nước; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn Ngân sách Nhà nước dành cho công tác xúc tiến; thực hiện trọng tâm, trọng điểm các hoạt động xúc tiến đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng, tổ chức các hoạt động xúc tiến có quy mô lớn, thường niên của TP; gắn kết các lĩnh vực, có tính lan tỏa; kết nối, tham gia các sự kiện xúc tiến hàng đầu khu vực và thế giới; lồng ghép với việc tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị của đất nước, Thủ đô.
Thêm vào đó, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch kết hợp các hoạt động ngoại giao, đối ngoại, văn hóa trong và ngoài nước, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu Thủ đô Hà Nội - Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại; đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có môi trường đầu tư thuận lợi.
Theo Chương trình, TP sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư như: tổ chức Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, với chủ đề Hà Nội và các tỉnh: vùng đồng bằng Sông Hồng; Vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - “Link to Grow"; tổ chức Chương trình xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài.
Cùng với đó, khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; Tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của TP Hà Nội,...