Hà Nội chú ý vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy phù hợp mô hình chính quyền đô thị
Sáng ngày 6/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ mười lăm, HĐND TP Hà Nội khóa XV. 'Hà Nội cần chú ý vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy phù hợp với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP theo Nghị quyết 97 của Quốc hội', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã bùng phát mạnh trên toàn thế giới, gây tổn thất lớn về người, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái; Nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ. Tuy nhiên, Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát được dịch bệnh; nhanh chóng phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
“Những kết quả trên đã minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của TP, trong đó có sự đóng góp quan trọng của HĐND TP, các đại biểu HĐND TP. Thời gian qua, HĐND TP đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi; chọn “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng, cấp bách để giám sát; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sáu tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô... ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của nhiều người dân. Trước tình hình đó, từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế còn nhiều việc phải làm, đề nghị các cấp, các ngành TP cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tại Kỳ họp này, các vị đại biểu cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân nhằm đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công trình trọng điểm của TP. TP cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về quy hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý đất đai; xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, các dự án xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ, ao; tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động; giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các khu chung cư cao tầng, chung cư tái định cư, khu, cụm công nghiệp, làng nghề…
Cùng đó, cần bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan với những kết quả đã đạt được; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh ATTP. Thực hiện tốt kỳ thi của học sinh các cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, bảo đảm an toàn phòng chống dịch; đẩy mạnh hoạt động văn hóa-xã hội, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Thứ ba, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hà Nội phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, DN; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành tác nghiệp để minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết TTHC; khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém trong công tác giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN và tổ chức.
Thứ tư, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của HĐND trong việc thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của TP, nhất là thẩm quyền của HĐND trong quyết định những chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết 115 của Quốc hội. Nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền TP.
Thứ năm, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, TP cần chú ý vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy phù hợp với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo Nghị quyết 97 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.